Thông tư 43/2002/TT-BTC về việc quản lý, cấp phát vốn ngân sách cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 43/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 07/05/2002
Ngày có hiệu lực 07/05/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 43/2002/TT-BTC NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VỐN NSNN CHO DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 22/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung sửa đổi thủ tục thanh toán vốn cho việc thực hiện dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng; Văn bản số 301/CP-NN ngày 18/4/2001 của Chính phủ về việc giải quyết cơ chế thực hiện Chương trình 661;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 28/1999/TT-LT ngày 03/02/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng thay thế Thông tư số 28/1999/TT-BTC ngày 13/03/1999 như sau:

Phần 1:

 QUY ĐỊNH CHUNG

1- Ngân sách nhà nước cấp phát từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng thuộc đối tượng sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ để chi cho đầu tư, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và quản lý chi chương trình được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội phê duyệt.

2- Cơ quan cấp trên của chủ đầu tư (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đối với dự án Trung ương quản lý, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với dự án địa phương quản lý) có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho từng dự án trong phạm vi kế hoạch nhà nước thông báo; hướng dẫn, chỉ đạo các chủ dự án triển khai kế hoạch theo kế hoạch được duyệt. Việc phân bổ chỉ tiêu vốn phải đảm bảo tỷ trọng cơ cấu vốn lâm sinh, vốn cơ sở hạ tầng và vốn quản lý theo quy định của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hướng dẫn tại Thông tư này.

3- Căn cứ kế hoạch vốn do Nhà nước giao cho dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, Bộ Tài chính thực hiện cấp phát cho các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua hệ thống Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm kiểm soát và cấp phát vốn cho các chủ dự án theo đúng chế độ quy định. Các chủ đầu tư mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để nhận vốn cấp phát thanh toán và có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả; chấp hành chế độ tài chính hiện hành và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Tài chính và Kho bạc nhà nước. Kho bạc nhà nước có quyền từ chối cấp phát cho các dự án không đủ điều kiện và thu hồi vốn đã cấp nhưng sử dụng sai mục đích, sai đối tượng.

Phần 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC CHI VỐN NSNN.

1- Vốn đầu tư dự án trồng rừng phòng hộ và đặc dụng:

- Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những vùng rất xung yếu và xung yếu với mức đầu tư bình quân không quá 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm.

- Khoán khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung cây công nghiệp, cây lấy quả, cây đặc sản đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những vùng xung yếu và rất xung yếu (coi như chỉ tiêu bảo vệ rừng) với mức đầu tư không quá 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm.

- Khoán khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những vùng rất xung yếu và xung yếu với mức đầu tư không quá 1 triệu đồng/ha, thời hạn khoán 6 năm theo tỷ lệ vốn được phân bổ hàng năm và quy trình khoanh nuôi tái sinh rừng kết hợp trồng bổ sung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trồng mới rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu với mức đầu tư trực tiếp đến người trồng rừng bình quân 2,5 triệu đồng/ha, bao gồm trồng mới và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ trực tiếp cho công tác lâm sinh bao gồm: trạm bảo vệ rừng, công trình phòng chống cháy, phòng trừ sâu bệnh, vườn ươm,...với mức đầu tư cho toàn bộ chương trình tối đa không quá 5% tổng số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án hàng năm.

2- Kinh phí quản lý dự án:

2.1- Nguồn vốn quản lý dự án trồng rừng phòng hộ, đặc dụng:

Tổng số vốn quản lý dự án trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được trích 8% trong tổng mức đầu tư ngân sách nhà nước dành cho dự án, trong đó các ngành ở Trung ương là 0,7%; tỉnh, huyện, xã là 1,3%; chủ dự án cơ sở là 6%.

2.2- Các công việc được cấp phát kinh phí quản lý dự án:

- Khảo sát, xây dựng, thẩm định và xét duyệt dự án.

- Nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ thuộc dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng.

- Tập huấn, kiểm tra, tuyên truyền, khen thưởng, hội nghị sơ tổng kết.

- Bổ sung một số trang thiết bị cần thiết, văn phòng phẩm cho hoạt động chỉ đạo quản lý.

- Chi cho công tác quản lý, điều hành của Ban Điều hành dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng trung ương và các Ban Quản lý dự án.

- Chi lương cho các thành viên của Ban Quản lý dự án chưa được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chi phụ cấp, trợ cấp, công tác phí,... theo chế độ hành chính sự nghiệp cho các thành viên của Ban Quản lý (kể cả các thành viên đã được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

- Chi hỗ trợ cho công tác quản lý, cấp phát thanh toán vốn của hệ thống Kho bạc nhà nước.

[...]