Thông tư 113/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 66/2006/NĐ-CP về một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 113/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 28/12/2006
Ngày có hiệu lực 30/01/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2006

 

THÔNG TƯ

113/2006/TT-BTC HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2006/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1/ Phạm vi lĩnh vực ngành nghề nông thôn quy định trong Thông tư này, gồm:

 a/ Chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản.

 b/ Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ.

 c/ Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.

 d/ Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

 đ/ Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh.

 e/ Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

 f/ Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

2/ Đối tượng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước:

 a/ Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định tại Điểm 1, Mục I Thông tư này (sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) được thực hiện trên địa bàn nông thôn, bao gồm:

 - Doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được xác định cụ thể tại Điều 3, Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 - Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

 - Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

 b/ Các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung và tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

II/ NỘI DUNG VÀ NGUỒN KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC.

1/ Nội dung hoạt động được hỗ trợ:

 a/ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.

 b/ Hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn, bao gồm: thực hiện các đề tài nghiên cứu độc lập hoặc phối hợp với cơ quan nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

 c/ Hoạt động thông tin, tuyên truyền; xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ; bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; tư vấn và dịch vụ.

 d/ Hoạt động đào tạo của các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề và chi phí đào tạo cho lao động nông thôn khi tham gia học lớp truyền nghề.

2/ Căn cứ và nguồn kinh phí hỗ trợ:

 2.1/ Hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn:

 Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn của cả nước và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nếu được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp) quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn; trong đó xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án bao gồm: từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ việc đầu tư dự án và nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tối đa là 60% tổng mức vốn đầu tư dự án, nguồn huy động đóng góp của tổ chức cá nhân được hưởng lợi và nguồn huy động hợp pháp khác tối thiểu là 40% tổng mức đầu tư dự án. Đối với những tỉnh khó khăn về ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện, mức hỗ trợ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 2.2/ Hỗ trợ một phần kinh phí đối với cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

[...]