Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 02-BXD/QLXD năm 1993 hướng dẫn quản lý xây dựng các công trình có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 02-BXD/QLXD
Ngày ban hành 26/01/1993
Ngày có hiệu lực 26/01/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-BXD/QLXD

Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 02-BXD/QLXD NGÀY 26-1-1993 CỦA BỘ XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Thực hiện Điều lệ quản lý Xây dựng cơ bản (XDCB) ban hành theo Nghị định số 385-HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và các Quy định, Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư của nước ngoài;

Sau khi đã thoả thuận với Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và các Bộ có liên quan, Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý xây dựng các công trình có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Công trình xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài là công trình có sử dụng vốn của các tổ chức hay cá nhân người nước ngoài đầu tư để xây dựng theo các hình thức đầu tư được quy định trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các công trình hợp tác kinh doanh, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài (kể cả Khu chế xuất) và các công trình của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài khác được phép xây dựng trên đất Việt Nam.

2. Công trình xây dựng nêu trong Thông tư này bao gồm xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, trung tu, phục hồi các công trình sản xuất và phi sản xuất.

3. Xác định chủ đầu tư:

Chủ đầu tư các công trình xây dựng nói trên phải là người đại diện hợp pháp (hay là người được uỷ quyền đủ tư cách pháp nhân) của doanh nghiệp hay tổ chức nước ngoài có công trình xây dựng tại Việt Nam.

Chủ đầu tư phải tuân theo luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định về quản lý xây dựng ở Thông tư này.

II. NỘI DUNG QUẢN LÝ

A. CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

1. Tất cả các công trình xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài đều phải lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật như quy định tại Nghị định 28-HĐBT ngày 6-2-1991 và phải được thẩm định theo Quyết định 366-HĐBT ngày 7-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Khi chọn địa điểm để lập dự án chủ đầu tư phải thảo luận với chính quyền cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) để có thoả thuận về địa điểm chọn phù hợp với quy hoạch, kiến trúc, điều kiện an toàn và sử dụng công trình kỹ thuật hạ tầng.

Trường hợp công trình thuộc dự án quan trọng do Thủ tướng Chính phủ xét duyệt hoặc công trình xây dựng ở nơi chưa có quy hoạch chung được duyệt thì phải có sự thoả thuận về địa điểm của Bộ Xây dựng và Tổng cục Quản lý ruộng đất.

3. Chủ đầu tư có thể tự làm hoặc thuê các tổ chức tư vấn của Việt Nam hay nước ngoài lập dự án và luận chứng kinh tế kỹ thuật.

4. Cơ quan lập dự án nước ngoài khi thu thập tài liệu về tình hình kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên và các tài liệu kỹ thuật khác của Việt Nam để lập dự án, chọn địa điểm cần hợp đồng với tổ chức tư vấn xây dựng Việt Nam có tư cách pháp nhân để thực hiện.

B. CHUẨN BỊ XÂY DỰNG

1. Chủ đầu tư có thể trực tiếp hoặc ký kết hợp đồng với các tổ chức tư vấn của Việt Nam hay nước ngoài để tổ chức đấu thầu hoặc chọn thầu thiết kế.

1.1. Các tổ chức thiết kế Việt Nam dự thầu hoặc nhận thầu thiết kế phải có tư cách pháp nhân và có giấy phép hành nghề được cấp theo quy chế của Bộ Xây dựng và được ưu tiên khi chọn thầu thiết kế trong điều kiện kỹ thuật và thương mại như nhau.

1.2. Các tổ chức thiết kế nước ngoài phải có tư cách pháp nhân và giấy phép hành nghề của nước sở tại hoặc được quốc tế công nhận. Tổ chức thiết kế nước ngoài có thể liên kết với tổ chức thiết kế Việt Nam thông qua hợp đồng kinh tế để đấu thầu hoặc giao lại một phần công việc thiết kế đã trúng thầu cho tổ chức thiết kế Việt Nam để thực hiện.

1.3. Khuyến khích việc thành lập các liên doanh về thiết kế giữa tổ chức thiết kế nước ngoài và tổ chức thiết kế Việt Nam để nhận thầu thiết kế công trình.

1.4. Việc khảo sát phục vụ thiết kế công trìnnh (bao gồm khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, môi trường) phải do tổ chức có tư cách pháp nhân của Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của tổ chức thiết kế thông qua hợp đồng kinh tế.

Việc thiết kế công trình phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam, trong trường hợp dùng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài thì phải được Bộ Xây dựng chấp thuận.

1.5. Cơ quan thiết kế chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật Việt Nam về thiết kế công nghệ, tính toán kết cấu, đảm bảo an toàn về kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi thi công cũng như khi vận hành công trình.

2. Thẩm định thiết kế.

2.1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, thiết kế phải được cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam về xây dựng thẩm định.

[...]