Quyết định 65-CP năm 1978 về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với nông dân và những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 65-CP
Ngày ban hành 23/03/1978
Ngày có hiệu lực 07/04/1978
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 1978 

 

 

VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU GIỮA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC VỚI NÔNG DÂN VÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỀ RỪNG, NGHỀ CÁ, NGHỀ MUỐI

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

Để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong cả nước, để hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1978 và kế hoạch 5 năm 1976 – 1980, một yêu cầu rất cấp thiết là phải tổ chức và quản lý tốt việc sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng các loại sản phẩm chủ yếu theo đúng kế hoạch và chính sách của Nhà nước. Một biện pháp có ý nghĩa kinh tế và chính trị rất quan trọng là thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với các hợp tác xã, các tổ hay đội đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất, tổ hợp máy,… và các hộ sản xuất (dưới đây gọi tắt là người sản xuất) trong nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối.

Đây là hình thức thắt chặt quan hệ kinh tế trực tiếp giữa Nhà nước với nông dân và những người làm nghề rừng, nghề cá, nghề muối, giữa công nghiệp và nông nghiệp, thể hiện đường lối liên minh công nông của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng.

Chế độ này nhằm xác định nghĩa vụ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý kinh tế các cấp, các tổ chức kinh doanh của Nhà nước ở địa bàn huyện cũng như của người sản xuất trong việc cùng nhau bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước.

Các tổ chức kinh tế của Nhà nước có nhiệm vụ đi sát cơ sở, nắm vững khả năng và nhu cầu của sản xuất ở từng địa phương, từng đơn vị sản xuất, cung ứng kịp thời và hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, đúng kỹ thuật các loại vật tư, hàng hoá cần thiết theo hợp đồng đã ký, để phục vụ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối phát triển theo đúng phương hướng, nhiệm vụ, quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, đồng thời chăm lo đúng mức đời sống của người lao động. Mặt khác, cùng người sản xuất tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm Nhà nước nắm chắc được tuyệt đại bộ phận hàng hóa lương thực, thực phẩm, nông sản, lâm sản và hải sản phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và đời sống nhân dân nói chung.

Người sản xuất được Nhà nước hướng dẫn cung ứng những tư liệu sản xuất chủ yếu và giúp đỡ về các mặt khác, phải phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tận dụng mọi khả năng lao động, đất đai và tài nguyên tại chỗ, tích cực sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, đồng thời có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và phấn đấu thực hiện vượt mức các hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Ngoài mục đích trên đây, việc thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều, gắn chặt với việc thực hiện các chính sách lớn khác của Đảng và Chính phủ như chính sách giá cả, chính sách lương thực, chính sách cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp tư nhân…, còn có tác dụng tích cực về các mặt sau đây:

1. Góp phần cải tiến công tác kế hoạch hóa đối với khu vực tập thể và cá thể trong nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối. Qua việc bám sát sản xuất và đời sống của nhân dân từng địa phương mà có cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch một cách vững chắc; đưa việc sản xuất, lưu thông, phân phối vật tư, hàng hóa trên địa bàn nông thôn, nhất là ở các tỉnh miền Nam vào tổ chức và kế hoạch.

2. Thúc đẩy việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện theo chỉ thị số 33-CT/TU ngày 24-01-1978 của Bộ chính trị và nghị quyết số 33-CP ngày 04-02-1978 của Hội đồng Chính phủ, đồng thời củng cố các hợp tác xã, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở xã, ấp. Thúc đẩy việc chấn chỉnh tổ chức, cải tiến chế độ và phương pháp quản lý của các ngành ở trung ương và các tỉnh, thành phố đối với huyện và cơ sở.

3. Thúc đẩy đồng thời 3 cuộc cách mạng ở nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội:

- Phục vụ và thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Nam; củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc; phát triển lực lượng kinh tế quốc doanh trên địa bàn huyện; tổ chức lại và tăng cường quản lý thị trường, loại trừ các hoạt động đầu cơ của thương nhân quấy rối thị trường, làm hỗn loạn giá cả.

- Chủ động đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng và thúc đẩy nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá, nghề muối đi nhanh lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

- Tăng cường giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho nông dân và người lao động khác ở nông thôn; đề cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật chấp hành hợp đồng; phát huy tinh thần làm chủ tập thể, vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích trước mắt và lâu dài, mà ra sức đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm và làm tròn nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước.

II. NỘI DUNG CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU (dưới đây gọi tắt là hợp đồng)

1. Những loại vật tư, hàng hóa đưa vào hợp đồng.

a) Về phía Nhà nước: đưa vào hợp đồng cung ứng cho người sản xuất những loại vật tư, hàng hóa nằm trong danh mục sau đây.

- Về tư liệu sản xuất: trước hết, chú trọng cung ứng các loại vật tư thật cần thiết để bảo đảm sản xuất theo kế hoạch.

Trong nông nghiệp: xăng dầu; phân bón hóa học; thuốc trừ sâu; một số giống cây trồng và giống chăn nuôi; công cụ sản xuất thường và cơ giới nhỏ; sức kéo; thuốc phòng và chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; những công việc như cày, bừa, bơm nước, đào kênh, mương, tuốt lúa, xay xát… phải dùng máy móc của Nhà nước hoặc máy của tư nhân do Nhà nước tổ chức lại và quản lý việc sử dụng, để làm cho nông dân.

Ngoài ra, cung ứng thiết bị và năng lượng điện phục vụ cho việc cơ giới hoá của các cơ sở sản xuất ở những nơi có nhu cầu thực tế.

Trong nghề rừng: các công cụ sản xuất như lưỡi cưa, rìu, búa…

Trong nghề cá: xăng dầu, thuyền, lưới và ngư cụ khác.

Trong nghề muối: vật tư để xây dựng đồng muối (vôi, ximăng) và một số công cụ làm muối.

- Về vật liệu xây dựng: gỗ để đóng xuồng ở những nơi không thể thiếu được (như đồng bằng sông Cửu Long); một phần gỗ, tre, nứa để làm nhà ở những nơi có nhu cầu cấp bách mà nhân dân địa phương không thể tự giải quyết ngay tại chỗ; gạch, ngói, ximăng và một ít sắt thép cho những nhu cầu thật cần thiết.

- Về hàng tiêu dùng:

Lương thực cho những vùng chuyên canh cây công nghiệp, trồng rau tập trung, chuyên đánh cá, làm muối… sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước và ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước, mà thiếu hoặc không có lương thực;

Một số hàng công nghiệp tiêu dùng thiết yếu (như vải…) mà Nhà nước đã có kế hoạch phân phối theo định lượng hàng năm, và một số mặt hàng khác do người sản xuất yêu cầu và Nhà nước có khả năng đáp ứng.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ