Nghị quyết số 33-CP về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 33-CP
Ngày ban hành 04/02/1978
Ngày có hiệu lực 19/02/1978
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 33-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 1978

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BỔ SUNG NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ KINH TẾ

Đại hội IV của Đảng đã quyết định: “Xây dựng huyện vững mạnh, thật sự trở thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp; lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động một cách cụ thể và kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế toàn dân với kinh tế tập thể, công nhân với nông dân. Xây dựng chính quyền cấp huyện thành một cấp Nhà nước quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách, một cấp quản lý sản xuất, quản lý lưu thông và đời sống ở huyện”.

Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng và tiếp theo Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về những chủ trương, biện pháp lớn và chủ yếu để cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội Đảng về xây dựng huyện. Nay Hội đồng Chính phủ đề ra những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu về xây dựng huyện, tổ chức sản xuất, đời sống trên địa bàn huyện.

Trong việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp huyện, cần quán triệt đầy đủ chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của cấp huyện như đã ghi trong chỉ thị của Bộ Chính trị:

- “Cấp huyện là một cấp quản lý các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng trong huyện, là cấp quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách. Cấp huyện quản lý về mặt hành chính Nhà nước và về mặt sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối, về mặt hoạt động văn hóa giáo dục, y tế và tổ chức chăm sóc đời sống nhân dân trong huyện.

- Cấp huyện là trung tâm chỉ đạo tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn, trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp huyện, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, kết hợp cải tạo với xây dựng, nhằm tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động trên địa bàn huyện, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp thích hợp với điều kiện trong huyện và phù hợp với quy hoạch của tỉnh và của cả nước.

- Cấp huyện vừa giáo dục cho nhân dân làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, vừa trực tiếp tổ chức ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong huyện.

- Cấp huyện là một cấp của bộ máy quản lý Nhà nước đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của cấp tỉnh và được giao quyền trực tiếp chỉ đạo và quản lý cấp xã, các hợp tác xã, các đơn vị xí nghiệp và các cơ quan Nhà nước phân cấp quản lý cho huyện. Bộ máy chuyên môn của các ngành ở cấp huyện là một bộ phận của hệ thống quản lý các ngành trong phạm vi cả nước”.

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp huyện để đáp ứng yêu cầu về xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp, về tổ chức sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện là vấn đề rộng lớn và rất phức tạp; có những vấn đề đã sáng tỏ, nhưng cũng còn những vấn đề phải làm thử để rút kinh nghiệm thì mới có thể kết luận được. Từ thực tiễn này, sẽ xây dựng luật về tổ chức chính quyền các cấp để trình Quốc hội ban hành.

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ KINH TẾ

1. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp (ở miền núi là lâm – nông – công nghiệp), nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế được bổ sung và quy định như sau:

a) Xây dựng quy hoạch của huyện khớp với quy định về phân vùng kinh tế của trung ương và quy hoạch chung của tỉnh; chỉ đạo thực hiện quy hoạch này sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của huyện; chỉ đạo thực hiện kế hoạch này sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt những chỉ tiêu cơ bản theo quy định của Nhà nước.

b) Tổ chức và phân công lại lao động trên địa bàn huyện, bao gồm lao động của các hợp tác xã, các cơ sở quốc doanh và lao động trong các thành phần kinh tế khác; tích cực và chủ động dùng mọi hình thức tổ chức, mọi phương pháp quản lý và điều hành lao động để bảo đảm tận dụng tốt nhất các nguồn lao động trong huyện, kết hợp với việc chủ động tận dụng mọi đất đai và tài nguyên khác trên địa bàn huyện.

c) Xây dựng cơ cấu sản xuất của huyện, tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…); lựa chọn và thực hiện các hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất căn cứ vào đặc điểm kinh tế của huyện để từng bước xây dựng trên địa bàn huyện một cơ cấu sản xuất nông – công nghiệp hoặc nông – lâm – công nghiệp, hoặc nông – ngư – công nghiệp.

d) Chỉ đạo việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong huyện, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xây dựng và quản lý các hợp tác xã, các xí nghiệp quốc doanh, quản lý các thành phần kinh tế khác.

đ) Tổ chức quản lý các hoạt động cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và xây dựng trong huyện; tổ chức quản lý việc thu mua các sản phẩm hàng hóa do các đơn vị cơ sở trong huyện làm ra, tổ chức quản lý công tác lưu thông phân phối, quản lý thị trường theo sự phân công cụ thể của Nhà nước.

e) Quản lý tài chính Nhà nước trên địa bàn huyện theo đúng quy định về phân cấp quản lý tài chính của Nhà nước; xây dựng ngân sách huyện và chỉ đạo thực hiện ngân sách này sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt.

g) Tham gia ý kiến với cấp tỉnh và trung ương về phân bố lực lượng sản xuất chung trong huyện; phục vụ và giúp đỡ các đơn vị cơ sở trực thuộc trung ương hoặc tỉnh đặt trong huyện; phát biểu ý kiến về việc xây dựng kế hoạch của các đơn vị trực thuộc trung ương hoặc tỉnh đặt tại huyện để phục vụ cho sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị này thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước.

h) Chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của mọi người trong huyện.

i) Giám sát, kiểm tra tất cả các tổ chức kinh tế và các cơ quan Nhà nước hoạt động trên địa bàn huyện về chấp hành kế hoạch Nhà nước, các pháp luật, các chính sách, chế độ…do Nhà nước ban hành nhằm bảo đảm chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tôn trọng đầy đủ pháp chế xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Về quy hoạch và kế hoạch

a) Về quy hoạch, Ủy ban nhân dân huyện:

- Phải nắm vững các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội trong huyện, và căn cứ vào sự phân vùng kinh tế của trung ương và quy hoạch chung của tỉnh để xây dựng quy hoạch của huyện, đưa ra Hội đồng nhân dân huyện quyết định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt.

- Phải xây dựng quy hoạch tổng thể của huyện trước khi xây dựng quy hoạch cụ thể của từng ngành trong huyện, và căn cứ vào quy hoạch của từng ngành để soát xét lại quy hoạch tổng thể.

- Tổ chức từng bước việc thực hiện quy hoạch của huyện sau khi được duyệt. Trong khi lập quy hoạch của huyện, đối  với những vấn đề của khu vực kinh tế tập thể, vừa hướng dẫn các đơn vị kinh tế tập thể theo phương hướng chung, vừa phát huy sáng kiến và quyền chủ động của các đơn vị đó.

- Theo quy hoạch của huyện đã được duyệt, phân bố cụ thể các đơn vị sản xuất và kinh doanh do huyện trực tiếp quản lý chỉ đạo các đơn vị này xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật khớp với quy hoạch chung.

[...]