Chỉ thị 10-NN_TTKT_CT năm 1984 thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 10-NN/TTKT/CT
Ngày ban hành 21/05/1984
Ngày có hiệu lực 05/06/1984
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Nguyễn Hữu Thụ
Lĩnh vực Thương mại

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NN/TTKT/CT

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN HIỆN CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ, TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.

Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số 187-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1982 về việc thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều. Thực tế thời gian qua phần lớn việc thu mua nông sản và cung cấp các tư liệu sản xuất chưa được đưa vào ký kết hợp đồng kinh tế hai chiều, còn thiên về mua bán theo cơ chế thị trường.

Ở những nơi có ký kết hợp đồng thì thường là vi phạm các hợp đồng đã ký, mà phổ biến là các tổ chức thu mua, các cơ quan của các ngành đã không thực hiện đúng đắn và đầy đủ trách nhiệm, cung cấp các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng cần thiết cho các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất theo hợp đồng đã ký. Đã gây thiệt hại cho sản xuất và quyền lợi của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nhiệp. Việc nắm tình hình chưa được chú ý đúng mức, không được phản ảnh và giải quyết kịp thời.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, đề cao tinh thần trách nhiệm và pháp chế kinh tế, Bộ yêu cầu các Sở nông nghiệp làm tốt các việc sau đây:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các đơn vị trong địa phương thực hiện nghiêm túc việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế hai chiều; trong việc thu mua nông sản và cung cấp tư liệu sản xuất giữa các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất với các tổ chức thu mua của Nhà nước theo đúng pháp luật hiện hành.

2. Hướng dẫn các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, nếu có mắc mứu, khó khăn và tranh chấp, cần báo cáo với Uỷ ban nhân dân huyện, đồng gửi cho Sở để giải quyết kịp thời. Trường hợp bị vi phạm hợp đồng làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, thì các đơn vị này phải khiếu nại tới cơ quan trọng tài kinh tế huyện hoặc tỉnh, đồng báo cáo cho Sở và trọng tài kinh tế Bộ để can thiệp.

3. Định kỳ phối hợp với trọng tài kinh tế cùng cấp và huyện, kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng của các hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất, 6 tháng và cuối năm phản ảnh về Bộ bằng văn bản tình hình trên.

Trọng tài kinh tế Bộ cần tăng cường việc nắm tình hình hợp đồng kinh tế hai chiều. Thông qua các Sở nông nghiệp và phối hợp với cơ quan trọng tài kinh tế các tỉnh, thành phố, đặc khu kiểm tra việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều ở các địa phương và cơ sở. Phát hiện kịp thời các vụ vi phạm hợp đồng để phối hợp với trọng tài kinh tế địa phương xét xử hoặc kiến nghị với Trọng tài kinh tế Nhà nước xét xử. Đối với những vụ vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, thì sau khi xét xử cần đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Nhận được chỉ thị này, Bộ yêu cầu giám đốc các Sở nông nghiệp phổ biến quán triệt đến các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất để thực hiện.

 

 

Nguyễn Hữu Thụ

(Đã ký)