Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 1-TS/TT-1983 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 187-HĐBT-1982 về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản ban hành

Số hiệu 1-TS/TT
Ngày ban hành 11/03/1983
Ngày có hiệu lực 01/01/1983
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Tấn Trịnh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-TS/TT

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1983

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 67-CT NGÀY 11-3-1983 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 187-HĐBT NGÀY 22-11-1982 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

Thi hành chỉ thị số 175-TTg ngày 23-3-1978 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã triển khai thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều theo quyết định tạm thời số 65-CP ngày 23-3-1978 của Hội đồng Chính phủ, áp dụng cho các tỉnh miền biển từ Quảng Ninh đến Thuận Hải. Quá trình thực hiện trong hoàn cảnh ngành thuỷ sản còn nhiều thành phần kinh tế, sở hữu tập thể, cá thể còn chiếm tỷ trọng lớn, thị trường tự do còn rộng, giá cả còn nhiều biến động, vật tư, lương thực và hàng hoá không cân đối với kế hoạch thu mua sản phẩm và nhu cầu thực tế của sản xuất, quản lý vẫn nằm trong tình trạng hành chính bao cấp... dẫn đến hợp đồng kinh tế hai chiều thời gian qua chưa phát huy hết tác dụng, hiệu quả kinh tế còn bị hạn chế.

Ngày 22-11-1982 Hội đồng bộ trưởng đã ra nghị quyết số 187-HĐBT về việc đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều, xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hợp đồng kinh tế hai chiều trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay. Các địa phương, các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất và thu mua thuỷ sản cần nghiên cứu, học tập và kịp thời tổ chức thực hiện tốt nghị quyết này.

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn một số điểm cơ bản sau đây.

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

- Đối với các tỉnh miền biển từ Quảng Ninh đến Thuận Hải lâu nay đã thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều, nhưng việc ký kết và thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, giao vật tư không kịp thời, kế hoạch thu mua không cân đối với quỹ vật tư hàng hoá.

Do vật tư, lương thực và hàng hoá rất có hạn nên cần tập trung ký hợp đồng kinh tế hai chiều có trọng tâm trọng điểm, chủ yếu ở những vùng sản xuất tập trung gồm những hợp tác xã, tập thể, cá thể có sản lượng nhiều, khai thác bằng những nghề tiến bộ, có năng xuất cao, có sản phẩm xuất khẩu. Ở những vùng sản xuất khác thu mua bằng các phương thức thích hợp như hiện nay đang thực hiện có kết quả.

Những đối tượng trên phải là những đơn vị, tập thể và cá thể chấp hành tốt các chế độ, chính sách, những năm qua có nhiều cố gắng thực hiện được trách nhiệm bán sản phẩm theo hợp đồng đã ký với Nhà nước. Những đơn vị, cá nhân không đủ điều kiện để ký hợp đồng kinh tế hai chiều thì áp dụng phương thức thu mua theo giá khuyến khích.

- Đối với các tỉnh từ Đồng Nai đến Kiên Giang lâu nay mua thuỷ sản và bán vật tư hàng hoá theo quyết định số 49-TTg ngày 19-2-1981. Gần đây một số tỉnh đã có hướng tiếp cận với phương thức mua bán theo giá chỉ đạo. Ngày 1 tháng 10 năm 1982 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đã có công văn số 3875-V6 đồng ý lấy giá chỉ đạo bán vật tư cho nghề cá và giá chỉ đạo thu mua cá đang áp dụng ở Thuận Hải để áp dụng cho các tỉnh từ Đồng Nai trở vào. Ngày 5-1-1983 Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã ra thông tư số 1-VGNN/TS hướng dẫn thi hành. Nay cần triển khai phương thức mua bán bằng hợp đồng kinh tế hai chiều đối với các sản phẩm chủ yếu của kinh tế tập thể và cá thể, nhanh chóng làm cho phương thức thu mua này trở thành phương thức thu mua chủ yếu. Dù cho công việc này đòi hỏi phải khắc phục khá nhiều khó khăn, phức tạp nhất là về mặt tổ chức thực hiện cũng phải quyết tâm làm, không vì những khó khăn đó mà trở lại cách làm như trước đây.

II. NHỮNG LOẠI VẬT TƯ HÀNG HOÁ ĐƯA VÀO HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

1. Về phía người sản xuất.

Các loại thuỷ sản tươi sống, sản phẩm đã chế biến thành phẩm hoặc bán thành phẩm theo yêu cầu của Nhà nước để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Về phía các tổ chức thu mua của nhà nước.

Nhà nước đưa vào hợp đồng kinh tế hai chiều cung ứng cho người sản xuất những loại vật tư, hàng hoá sau:

- Dây, lưới sợi đánh cá;

- Máy thuỷ và phụ tùng thay thế;

- Các dụng cụ, phụ tùng chiếu sáng để đánh cá;

- Nước đá, muối bảo quản sản phẩm;

- Nhiên liệu các loại;

- Gỗ để đóng và sửa chữa tàu thuyền;

- Vải buồm;

- Lương thực (riêng các tỉnh B2 cũ tuỳ tình hình có thể đưa hoặc không đưa lương thực vào hợp đồng).

Trong quá trình sản xuất, ngư dân phải tự lo liệu, mua sắm những loại vật tư, hàng hoá thông thường mà địa phương, trong nước có khả năng sản xuất được. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng ký kết hợp đồng kinh tế hai chiều với Nhà nước đều được cung ứng đủ các doanh mục vật tư, hàng hoá nói trên mà căn cứ vào tình hình sản xuất của từng vùng, từng nghề chỉ cung ứng những loại mà người sản xuất thực tế yêu cầu.

Ngoài những loại vật tư, hàng hoá do Nhà nước cung ứng, tỉnh, huyện cần hỗ trợ cho ngành thuỷ sản một số vật tư, hàng hoá khác theo yêu cầu sản xuất và đời sống của ngư dân để đưa vào hợp đồng kinh tế hai chiều. Nói chung, đối với hàng hoá tiêu dùng thì trừ thuốc chữa bệnh, giấy học sinh, các loại hàng Nhà nước chủ trương bán thông thường hoặc bán giá cao ở các cửa hàng, còn các hàng thiết yếu khác đều có thể đưa vào hợp đồng kinh tế hai chiều. Nhưng đã đưa loại nào vào hợp đồng phải bảo đảm cung ứng được cho người sản xuất loại đó.

III. ĐỊNH MỨC CUNG ỨNG VẬT TƯ HÀNG HOÁ CUNG ỨNG THEO ĐẦU TẤN SẢN PHẨM BÁN CHO NHÀ NƯỚC

Để khắc phục tình trạng hành chính, bao cấp, Nhà nước cung ứng vật tư, hàng hoá cho người sản xuất căn cứ vào định mức tương ứng theo đầu tấn sản phẩm thực tế mua vào, không cung ứng theo kế hoạch một cách chung chung và dàn đều như trước đây. Các địa phương căn cứ vào các định mức kinh tế kỹ thuật, tình hình sản xuất thực tế và quỹ vật tư, hàng hoá của mình để tính toán ban hành văn bản quy định cụ thể định mức tương ứng theo đầu tấn sản phẩm cho từng loại nghề. Nếu có đủ điều kiện cũng có thể định mức tương ứng đầu tấn sản phẩm theo từng phẩm cấp mà Nhà nước và ngành đã công bố. Định mức phải bảo đảm tương ứng cả về mặt số lượng và giá trị.

- Tương ứng về số lượng là lượng vật tư hàng hoá thiết yếu người sản xuất cần tiêu hao, tu bổ để sản xuất được 1 tấn sản phẩm bán cho Nhà nước. Tránh tình trạng dùng vật tư, hàng hoá thiết yếu để bù giá cho người sản xuất.

[...]