Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 54-CP năm 1975 Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 54-CP
Ngày ban hành 10/03/1975
Ngày có hiệu lực 25/03/1975
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 1975

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 54-CP NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 1975 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ Nghị định số 4-TTg ngày 4-1-1960 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 25-11-1974 thông qua Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế;
Để tăng cường quản lý kinh tế, bảo đảm tính pháp chế của chế độ hợp đồng kinh tế.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế.

Điều 2.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, căn cứ vào bản điều lệ này, phối hợp với Uỷ ban Pháp chế và Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước xây dựng điều lệ cụ thể cho việc ký kết từng loại hợp đồng kinh tế của ngành, trình Chính phủ ban hành.

Điều 3.- Bãi bỏ nghị định số 4-TTg ngày 4-1-1960 của Thủ tướng có ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế cũng như các điều quy định trước đây trong các văn bản khác trái với nghị định này và bản điều lệ kèm theo.

Điều 4.- Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn, giải thích và quy định chi tiết thi hành bản điều lệ ban hành kèm theo nghị định này.

Điều 5.- Các ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này và bản Điều lệ kèm theo.

 

 

Lê Thanh Nghị

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ)

Điều 1.- Hợp đồng kinh tế là công cụ pháp lý của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nó góp phần quan trọng trong việc kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân, củng cố chế độ hạch toán kinh tế, tăng cường quản lý kinh tế. Nó làm cho lợi ích của đơn vị kinh tế cơ sở khớp với lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân, gắn liền công tác quản lý của Nhà nước với sự tự chịu trách nhiệm của các tổ chức kinh tế cơ sở. Nó xác lập và thắt chặt mối quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các bên có liên quan đến việc ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết, quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể của từng bên đối với nhau, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên ký kết, giúp đỡ các bên chuẩn bị kế hoạch, xây dựng kế hoạch một cách vững chắc, thực hiện thắng lợi kế hoạch xây Nhà nước với hiệu quả kinh tế cao nhất.

Điều 2.- Ký kết hợp đồng kinh tế là một kỷ luật của Nhà nước. Trong mọi hoạt động kinh tế có liên quan với nhau đều bắt buộc phải ký kết hợp đồng kinh tế. Sau khi có số kiểm tra kế hoạch và khi kế hoạch chính thức của Nhà nước được ban hành, các đơn vị, tổ chức cơ quan nói sau đây (gọi tắt là các đơn vị ký kết) phải ký kết hợp đồng kinh tế:

- Các tổ chức quốc doanh;

- Các tổ chức công tư hợp doanh;

- Các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các tổ chức xã hội (gọi tắt đơn vị dự toán);

- Hợp tác xã các loại được công nhận theo các điều lệ hiện hành;

- Các tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghệp và thủ công nghiệp được phép kinh doanh và có tài khoản ở ngân hàng.

Không có hợp đồng kinh tế thì không được vay vốn, không được thanh toán. Chỉ được miễn ký kết hợp đồng kinh tế khi phải thi hành lệnh khẩn cấp đặc biệt và khẩn cấp bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc trong những việc mua bán, cung ứng vận chuyển nhất thời, đột xuất thực hiện và thanh toán xong trong một lần, hoặc trong những hoạt động kinh tế có tính chất đặc biệt được Hội đồng Chính phủ cho phép.

Điều 3.- Sau khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên ký kết có nghĩa vụ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên theo dõi giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các điều đã cam kết. Hết thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế thì các bên ký kết phải thanh lý hợp đồng.

Trường hợp thay đổi tổ chức thì đơn vị, tổ chức, cơ quan nào được chuyển giao nhiệm vụ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế. Nếu không có đơn vị, tổ chức, cơ quan nào tiếp tục làm nhiệm vụ cũ nữa, thì hợp đồng kinh tế phải được thanh lý trước khi thay đổi tổ chức.

Điều 4.- Trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế là đơn vị ký kết mà thủ trưởng là người đại diện.

Thủ trưởng của các bên tham gia hợp đồng vừa phải tranh thủ sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp trên, vừa phải cùng các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, công nhân, nhân viên tích cực lao động, phát huy sáng kiến, áp dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng mọi tiềm lực của đơn vị để cùng nhau giải quyết những khó khăn, mức mứu trong khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

Điều 5.- Các vụ từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng kinh tế, ký thấp hơn chỉ tiêu pháp lệnh, ký kéo dài kỳ hạn thực hiện hợp đồng kinh tế đã được ký kết, cũng như các vụ tranh chấp trong các trường hợp được miễn ký kết hợp đồng kinh tế đã nói ở điều 2, đều do cơ quan trọng tài kinh tế Nhà nước thuộc các ngành, các cấp xét xử theo bản điều lệ này.

[...]