Quyết định 380/QĐ-UBND năm 2016 về Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP tiếp tục thực hiện Nghị quyết về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 380/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/02/2016
Ngày có hiệu lực 04/02/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đặng Minh Ngọc
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 380/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 49/NQ-CP NGÀY 10/7/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1365/TTr-SCT ngày 31/12/2015 về việc phê duyệt Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Đặng Minh Ngọc

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 49/NQ-CP NGÀY 10/7/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên)

I. MỤC TIÊU

- Thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh gắn với mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế; hướng tới mục tiêu tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển bền vững.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo tiền đề vững chắc để phát triển mạnh hơn trong giai đoạn sau.

II. NHIỆM VỤ, NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế

- Rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với văn bản mới của trung ương; ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhưng vẫn đảm bảo phù hợp quy định chung, các cam kết quốc tế. Tổng hợp những vướng mắc từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực thi văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đề xuất các bộ, ngành liên quan và Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh.

- Hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở, các sở, ban, ngành, đặc biệt các cơ quan thuế, tài chính, đầu tư nhằm tăng cường quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và hoàn thiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020. Định kỳ rà soát, cập nhật các chương trình, kế hoạch về công tác hội nhập kinh tế của tỉnh đảm bảo phù hợp với chỉ đạo chung của Chính phủ và hướng dẫn, định hướng cụ thể của Bộ Công Thương.

2. Nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn để thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, công nghiệp sạch,… có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tăng thu ngân sách. Phấn đấu đến năm 2020 có thêm 2-3 khu công nghiệp mới và 10 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng đi vào hoạt động. Tập trung giải quyết tốt các công việc còn tồn đọng trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, quản lý các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt, đặc biệt là các khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi trong xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư như Khu công nghiệp Yên Mỹ II, Khu công nghiệp Minh Quang và Khu công nghiệp Minh Đức.

- Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và thỏa đáng các khiếu nại đối với các vi phạm trong kinh doanh góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, xuất khẩu, thuế…, phát huy hiệu quả việc ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ công việc và điều hành qua mạng Internet tại tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ phận "Một cửa” các cấp, các ngành; thực hiện nghiêm việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương và công bố công khai kết quả đánh giá, chỉ đạo nhắc nhở các sở, ngành, địa phương đạt điểm đánh giá thấp khắc phục, sửa đổi quy trình làm việc, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính,… tạo thuận lợi tối đa cho việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

- Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, những lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển như may mặc, da giầy, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ sản phẩm công nghệ cao.

[...]