Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do Chính phủ ban hành

Số hiệu 49/NQ-CP
Ngày ban hành 10/07/2014
Ngày có hiệu lực 10/07/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/NQ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Căn cứ Kết luận số 58-KL/TW ngày 02 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Kết luận số 58-KL/TW ngày 02 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết đã khẳng định: "Việc thực hiện 10 nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đã đạt kết quả tích cực. Hội nhập kinh tế quốc tế và việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước. Những thành tựu đạt được đó khẳng định Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nước ta phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO là đúng đắn"; đồng thời đưa ra các phương hướng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được xây dựng trên cơ sở rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ mới nhằm thực hiện các mục tiêu sau:

- Tiếp tục thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X trong bối cảnh nước ta đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong đó trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản dưới đây.

1. Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế

a) Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không còn phù hợp; ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế.

b) Xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020.

c) Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ song phương và khu vực. Tiến hành nghiên cứu, tiến tới đàm phán các hiệp định thương mại mới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.

d) Hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, cơ quan đầu mối về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

[...]