Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3456/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến 2020

Số hiệu 3456/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/10/2011
Ngày có hiệu lực 20/10/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3456/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 3789/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ Quy hoạch sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 1133/SGD&ĐT-KHTC ngày 11 tháng 8 năm 2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu Quy hoạch:

1.1. Mục tiêu tổng quát.

Xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của cả nước và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, để làm căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng một nền giáo dục phát triển con người toàn diện, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững KT-XH của địa phương; thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; có khả năng hội nhập với nền giáo dục trong Khu vực và Thế giới. Tạo cơ hội bình đẳng tham gia giáo dục cho mọi người, duy trì và củng cố vững chắc thành quả phổ cập THCS, tăng dần tỷ lệ dân số trong độ tuổi học THPT ở các huyện, thị xã, thành phố có điều kiện thuận lợi; nâng cao chất lượng giáo dục, giảm dần chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Giáo dục mầm non

Đến năm 2020 tất cả trẻ em đều được chăm sóc giáo dục bằng các hình thức giáo dục thích hợp. Tăng tỉ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ từ 22% năm 2010, lên 26% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Đối với trẻ 3-5 tuổi, tăng tỉ lệ đến trường, lớp mẫu giáo lên trên 98,7% năm 2015 và giữ ổn định đến năm 2020. Thực hiện hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trước năm 2015, có trên 97 % trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới.

Phấn đấu năm 2015 có trên 40%, đến năm 2020 có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia; riêng các huyện miền núi đến năm 2015 trên 25% , năm 2020 trên 40%.

1.2.2. Giáo dục phổ thông

- Tiểu học: Nâng cao và duy trì tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi. Giữ ổn định tỉ lệ 99,8% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học năm 2020; tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên 70% năm 2015 và 100% năm 2020. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học tiểu học trên 70% năm 2015 và 85% năm 2020. Tiếp tục củng cố duy trì và nâng cao chất lượng 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phấn đấu năm 2015 có trên 70%, năm 2020 có trên 90% trường đạt chuẩn ở mức độ 1 và trên 30% trường đạt chuẩn ở mức độ 2.

- Trung học cơ sở: Phấn đấu đến năm 2015 có trên 97%, năm 2020 có trên 99% trẻ trong độ tuổi THCS được đến trường. Tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên 15% vào năm 2015 và trên 20% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học THCS lên 15% năm 2010, 30% năm 2015 và 50% năm 2020. Tiếp tục duy trì 100% xã phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Củng cố và duy trì 100% học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học và Giáo dục hướng nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 30%, năm 2020 có trên 45% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Trung học phổ thông: Phấn đấu đến năm 2015 có 85% và năm 2020 có trên 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn tương đương trung học phổ phông ( học THPT, bổ túc và học nghề ). Củng cố và duy trì 100% học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học và hướng nghiệp. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học THPT trên 20% năm 2015 và 30% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 25%, năm 2020 có trên 40% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Các trường chuyên biệt: Đầu tư xây dựng trường THPT chuyên lam Sơn thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia; tăng quy mô cho đối tượng học sinh THPT dân tộc nội trú; duy trì và củng cố, đầu tư để tất cả các trường Phổ thông DTNT đạt chuẩn Quốc gia trước năm 2015; hình thành các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các cụm xã . Đối với các trường THCS ở khu vực vùng núi cao, xây dựng đủ nhu cầu nhà bán trú cho học sinh con em đồng bào các dân tộc.

1.2.3. Giáo dục thường xuyên

Phát triển giáo dục thường xuyên, tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt 100% vào năm 2020. Coi trọng công tác dạy nghề ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người. Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để có thể tiếp tục tham gia các chương trình giáo dục và đáp ứng được yêu cầu của công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

2.1. Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục

2.1.1. Giáo dục mầm non

Đa dạng loại hình trường lớp mầm non, gắn với khu vực phân bố dân cư. Ổn định các trường mầm non công lập hiện có. Chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục theo quy định, phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng, để đảm bảo thu hút các cháu ra nhà trẻ, nhất là vùng khó khăn ở miền núi, bãi ngang và nông thôn. Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật các trường mầm non theo hướng hiện đại, mở rộng diện tích các trường mầm non đạt yêu cầu chuẩn quốc gia (nông thôn tối thiểu: 10m2/1trẻ, nội thành, nội thị ít nhất : 6m2/1trẻ), tạo diện tích sân chơi (kể cả diện tích sân chơi trên lầu) đáp ứng được yêu cầu chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo môi trường giáo dục. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở thành phố, thị xã và các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Xây dựng mạng lưới hệ thống trường trọng điểm để làm tru2ng tâm thực hành, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ giáo viên và chỉ đạo các chuyên đề của ngành học.

2.1.2. Giáo dục tiểu học

[...]