ĐỀ ÁN
GIẢI QUYẾT CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH CẤP
TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ THUỘC DIỆN DÔI DƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 248 /2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm
2009 của UBND tỉnh Thanh Hoá)
I. Những cơ sở để xây dựng đề
án :
1. Cơ sở pháp lý:
- Chỉ thị số 40-CT/TW,
ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giỏo dục;
- Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án: “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội
ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010”;
- Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày
23/8/2006 của Liên bộ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định
mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập;
- Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của
Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các trường
chuyên biệt.
- Quyết định số 3788/QĐ-UBND ngày 05/12/2007 của
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt Đề án: “Xây dựng, nâng cao chất
lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010”.
2. Cơ sở thực tiễn:
Trong những năm qua, Giáo dục và Đạo tạo tỉnh
Thanh Hoá đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chất
lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được nâng cao. Tuy
nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý ở các nhà trường
chưa đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tình trạng giáo viên vừa
thừa vừa thiếu, không đồng bộ về cơ cấu tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết,
chủ yếu là ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; các định mức về học sinh/lớp,
giáo viên/lớp chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền và yêu cầu của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
Từ thực tế nêu trên, để đáp ứng yêu cầu nâng cao
chất lượng giáo dục toàn diện cần thiết phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trước mắt, tập trung giải quyết số giáo viên
dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và bổ sung số giáo viên, nhân viên
hành chính còn thiếu ở cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh.
II.
Phạm vi nghiên cứu đề án:
Phạm vi nghiên cứu của đề án là: đội ngũ cán bộ
quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường Tiểu học, Trung học cơ sở
trên địa bàn tỉnh.
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ GIÁO
VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC, NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRUNG
HỌC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I.
Tình hình trường lớp, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, Cán bộ quản
lý và nhân viên hành chính:
1. Khối Tiểu học (Biểu số 1):
1.1. Tình hình trường, lớp:
Toàn tỉnh hiện có 727 trường tiểu học (miền núi,
vùng sâu: 259 trường; trung du, đồng bằng, thị xã, thành phố: 468 trường),
trong đó có 98 trường hạng 1; tổng số lớp hiện có là 10.601 lớp (miền núi, vùng
sâu: 3.912 lớp; trung du, đồng bằng, thị xã, thành phố: 6.689 lớp).
1.2. Về số lượng và cơ cấu:
- Tổng số biên chế UBND tỉnh giao cho cấp Tiểu
học (theo QĐ 367/QĐ-UBND ngày 14/2/2008) là: 17.457; Biên chế hiện có là:
17.277, trong đó: cán bộ quản lý: 1.725, giáo viên văn hoá: 12.358, giáo viên
khác (Nhạc Hoạ, NN, TD, Tin): 1.633, nhân viên hành chính (Thư viện – thiết bị,
Văn thư – Thủ quỹ, Kế toán, Y tế): 1.309, phụ trách Đoàn đội: 252.
So với biên chế được giao, số biên chế thực tế
thấp hơn 180. Tuy nhiên, do không đồng bộ về cơ cấu nên đã xảy ra tình trạng vừa
thừa, vừa thiếu biên chế với số lượng lớn, cụ thể như sau:
+ Số giáo viên văn hoá và cán bộ quản lý thừa
là 3.430 biên chế (267 cán bộ quản lý, 3.163 giáo viên văn hoá).
+ Số giáo viên khác và nhân viên hành chính
thiếu là 1.527 biên chế (202 giáo viên dạy nhạc, họa, ngoại ngữ, thể dục, tin học;
878 viên chức làm Thư viện – Thiết bị, Văn thư - Thủ quĩ, Kế toán, Y tế; 447
giáo viên làm Tổng phụ trách Đội).
1.3. Về chất lượng (theo tiêu chí trình độ đào tạo):
Hết năm học 2007-2008, tỷ lệ giáo viên đạt
chuẩn và trên chuẩn ở cấp Tiểu học là 98,75%, trong đó trên chuẩn là 39,37%.
2. Khối THCS (Biểu số 2):
2.1. Tình hình trường, lớp:
Tổng số trường là 649 (miền núi, vùng sâu:
205 trường; trung du, đồng bằng, thị xã, thành phố: 444 trường ), trong đó số
trường hạng 1 là 27 trường. Tổng số lớp là 7.621 lớp (miền núi, vùng sâu: 2.323
lớp; trung du, đồng bằng, thị xã, thành phố: 5.298 lớp).
2.2. Về số lượng và cơ cấu:
- Tổng số biên chế được giao (QĐ số
367/QĐ-UBND ngày 14/2/2008 là: 18.840; Biên chế hiện có là: 18.682, trong đó:
CBQL: 1.444, giáo viên TN-XH: 12.121, giáo viên khác (Nhạc Hoạ, NN, TD, Tin):
3.594, Viên chức (TV-TB, VT-TQ, K toán, Y tế): 1.428, giáo viên phụ trách Đoàn
đội: 93.
So với biên chế được giao, số biên chế còn
thiếu là: 158 biên chế. Tình hình thừa thiếu giáo viên về cơ cấu cụ thể như
sau:
+ Giáo viên tự nhiên – xã hội và cán bộ quản
lý thừa 2.926 biên chế (148 cán bộ quản lý, 2.778 giáo viên dạy các bộ
môn TN-XH).
+ Giáo viên đặc thù, viên chức hành chính, phụ
trách Đoàn Đội thiếu 3.086 biên chế (719 giáo viên dạy các bộ môn: công nghệ,
ngoại ngữ, tin học, các môn giáo dục tập thể; 1.812 nhân viên thư viện, thiết bị,
thí nghiệm, văn phòng; 555 giáo viên phụ trách Đoàn Đội).
2.3. Về chất lượng (theo tiêu chí trình độ đào tạo):
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của cấp
THCS là 96,81%, trong đó trên chuẩn là 35,94%.
II. Đánh giá chung:
1. ưu điểm:
- Trong nhiều năm, UBND tỉnh đã bám sát các quy
định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trong việc giao chỉ
tiêu biên chế cho các đơn vị, tạo ra sự tương đối hợp lý về mạng lưới trường, lớp
ở các vùng miền, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
- Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo, CBQL có đạo đức
tốt, tận tuỵ với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tu dưỡng, rèn
luyện tốt cả về chính trị, tư tưởng và chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm
vụ được giao.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được chú
trọng, thực hiện thường xuyên và định kỳ nên chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày
càng được nâng cao (thể hiện qua tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học,
ngành học).
2. Những hạn chế, bất cập:
- Tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu,
không đồng bộ về cơ cấu bộ môn ở bậc Tiểu học và THCS xảy ra ở nhiều nơi, chậm
được giải quyết; ở nhiều nơi học sinh chưa được học đầy đủ các môn đặc thù như:
nhạc, hoạ, tin học, ngoại ngữ…
- Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên trường học chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo; năng lực chuyên
môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy còn yếu kém chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi
mới về giáo dục hiện nay.
- Việc giao chỉ tiêu học sinh/lớp và giáo viên/lớp
còn bất cập, chưa phù hợp với đặc điểm vùng miền, chưa đáp ứng được
yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
3. Nguyên nhân của những tồn tại:
3.1. Về mặt khách quan:
- Do qui mô dân số, số lượng học sinh không ổn định
và có xu hướng giảm tự nhiên trong các năm gần đây.
- Do đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ
thông, bổ sung thêm một số môn học mới nên dẫn đến tình trạng thừa giáo viên
văn hoá nhưng lại thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù và viên chức hành chính.
- Trong những năm trước đây, để đáp ứng mục tiêu
phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tỉnh đã phải tuyển bổ sung một số lượng lớn
giáo viên làm công tác phổ cập xoá mù chữ, đào tạo theo địa chỉ và giáo viên hệ
9+3 cho các vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn nên đến nay chất lượng chuyên
môn không đáp ứng kịp so với yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục.
- Có sự bất cập lớn giữa yêu cầu điều chỉnh và mở
rộng qui mô phát triển các cấp học, bậc học cùng với việc nâng cao chất lượng
giáo dục với sự hạn chế về khả năng, điều kiện đảm bảo vẫn chưa được giải quyết
thỏa đáng. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã tăng nhiều song vẫn chưa đáp ứng
được so với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD.
3.2. Về mặt chủ quan:
- Cấp uỷ Đảng, chính quyền ở một số địa phương
chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Các ngành chức năng chưa quản lý, kiểm tra,
giám sát thường xuyên, chặt chẽ UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc
tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hành chính ở
các trường học.
- Chất lượng và hiệu quả công tác
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và
chưa sát với nhu cầu thực tế.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ
CÁC GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH CẤP TIỂU
HỌC, THCS THUỘC DIỆN DÔI DƯ
I. Mục tiêu, Quan điểm,
nguyên tắc giải quyết:
1. Dự báo qui mô phát triển cấp Tiểu học và
THCS :
1.1. Đối với cấp Tiểu học:
Trong những năm gần đây, do giảm tỷ lệ tăng dân
số tự nhiên, số lượng học sinh Tiểu học có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, theo dự
báo, trong những năm tới số học sinh Tiểu học sẽ dần ổn định và tăng nhẹ. Do
đó, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên hành chính các trường cũng sẽ
dần ổn định, cụ thể như sau:
TT
|
Tiêu chí
|
Năm 2008-2009
|
Năm 2009-2010
|
Năm 2010-2011
|
Năm 2011-2012
|
Năm 2012-2013
|
Năm 2013-2014
|
1
|
Tổng số HS
|
249.011
|
249.253
|
254.599
|
258.016
|
261.151
|
267.533
|
2
|
Tổng số lớp
|
10.601
|
10.386
|
10.608
|
10.751
|
10.881
|
11.147
|
3
|
Tổng số CB, GV, VC
|
17.277
|
18.175
|
18.486
|
18.686
|
18.868
|
19.241
|
1.2. Đối với cấp THCS:
Từ nay đến năm 2010, số lượng học sinh THCS sẽ
tiếp tục giảm và dần ổn định sau năm học 2011-2012. Theo đó, nhu cầu cán bộ, giáo
viên, nhân viên hành chính cũng sẽ giảm mạnh đến năm 2010 và dần ổn định sau
năm 2011, thể hiện ở bảng sau:
TT
|
Tiêu chí
|
Năm 2008-2009
|
Năm 2009-2010
|
Năm 2010-2011
|
Năm 2011-2012
|
Năm 2012-2013
|
Năm 2013-2014
|
1
|
Tổng số HS
|
262.148
|
241.416
|
219.539
|
205.696
|
200.981
|
196.710
|
2
|
Tổng số lớp
|
7.621
|
6.898
|
6.273
|
5.877
|
5.742
|
5.620
|
3
|
Tổng số CB, GV, VC
|
18.682
|
16.539
|
15.339
|
14.579
|
14.320
|
14.085
|
2. Mục tiêu:
- Trong 2 năm 2009 và 2010 tập trung giải quyết
cơ bản số cán bộ quản lýý, giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư ở các trưởng Tiểu học
và THCS trên địa bàn tỉnh.
- Từng bước đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về
cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lýý, giáo viên, nhân viên hành chính, góp phần
tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cấp
Tiểu học và THCS.
3. Quan điểm và nguyên tắc giải quyết giáo
viên dôi dư:
3.1. Quan điểm:
- Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và sự đồng
thuận trong tập thể cấp Uỷ, Ban giám hiệu, các đoàn thể và tập thể sư phạm
trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo sự ổn định và phát triển của từng
trường học và toàn ngành.
- Từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng toàn diện
trong nhà trường.
3.2. Nguyên tắc:
a) Giải quyết giáo viên dôi dư được thực hiện
trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, đánh giá, phân loại, bố trí lại cán
bộ, giáo viên trong từng trường và từng huyện, thị xã, thành phố cho phù hợp.
b) Việc đánh giá, phân loại, sắp xếp, tinh giản
cán bộ quản lý và giáo viên phải theo tiêu chí cụ thể, thực sự khách quan, công
bằng, công khai, không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học ở các nhà trường.
c) Xác định số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân
viên hành chính dôi dư phải đảm bảo đúng đối tượng, bao gồm:
- Những người không đạt chuẩn về trình độ;
- Những người không đủ sức khoẻ để công tác;
- Những người không hoàn thành nhiệm vụ chuyên
môn được giao;
- CBQL dôi dư, giáo viên thuộc các bộ môn thừa
sau đánh giá, phân loại.
d) Từng bước thực hiện các định mức HS/lớp, GV/lớp
theo qui định tại Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV
ngày 23/8/2006 của Liên bộ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Thông tư số
59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trước mắt, trong năm học 2009-2010 thực hiện như sau:
- Đối với cấp Tiểu học:
+ Tỷ lệ HS/lớp được tính là: Miền núi cao 20
HS/lớp (riêng huyện Mường Lát và các xã biên giới Việt – Lào được tính 16 HS/lớp);
Miền núi thấp 25 HS/lớp; Đồng bằng - Trung du, ven biển 27 HS/lớp; Thành phố,
thị xã 30 HS/lớp .
+ Biên chế Cán bộ quản lý áp dụng theo quy định
tại Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006
của Liên bộ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày
31/10/2008 của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
+ Biên chế Giáo viên được tính là: 1,25 GV/lớp;
+ Biên chế Viên chức làm công tác thư viện, thiết
bị, văn phòng (VT, TQ, KT, Y tế trường học) được tính trung bình là 03
người/đơn vị trường học/huyện, thị, thành phố.
- Đối với cấp THCS:
+ Tỷ lệ HS/lớp được tính là: Miền núi cao: 32
HS/lớp; Miền núi thấp: 35 HS/lớp; Đồng bằng – Trung du, ven biển: 37 HS/lớp;
Thành phố, thị xã: 39 HS/lớp.
+ Biên chế CBQL áp dụng theo quy định tại Thông
tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Liên
bộ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày
31/10/2008 của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
+ Biên chế giáo viên được tính là: 1,85 GV/lớp.
Riêng trường THCS nội trú huyện được tính 2,20 GV/lớp.
+ Biên chế Viên chức làm công tác thư viện, thiết
bị, thí nghiệm, văn phòng (VT, TQ, KT, Y tế trường học) được tính trung bình là
04 người/ đơn vị trường học/ huyện, thị, thành phố.
3.3. Trình tự thực hiện sắp xếp, tinh giản:
- Lãnh đạo các nhà trường có trách nhiệm:
+ Phối hợp với cấp uỷ, đoàn thể phổ
biến, quán triệt chủ trương, chính sách sắp xếp, tinh giản của Nhà nước và của
tỉnh cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường;
+ Tiến hành rà soát việc thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ, định mức, tiêu chuẩn theo các chức danh chuyên môn cụ thể, gắn
với cải tiến qui chế làm việc để xác định số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn chuyên
môn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc trong nhà trường, trên cơ sở đó xác định
rõ số CBQL, giáo viên thừa, thiếu trong từng trường;
+ Tiến hành đánh giá, phân loại CBQL, giáo viên,
nhân viên theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ gắn với đánh giá trình độ, năng
lực, kết quả công tác và phẩm chất đạo đức, sức khoẻ từng người theo tiêu chí
hướng dẫn của Sở Giáo dục - Đào tạo;
+ Lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn, có
năng lực phẩm chất bố trí công việc phù hợp; những người cho đi đào tạo bồi dưỡng
để chuyển công tác hoặc cho nghỉ theo diện tinh giản;
+ Xây dựng
phương án và báo cáo kế hoạch sắp xếp, tinh giản trình Chủ tịch UBND huyện, thị
xã, thành phố xem xét, trong đó nêu rõ danh sách những người thuộc diện sắp xếp,
hình thức sắp xếp và lập dự toán kinh phí trợ cấp cho từng đối tượng gửi Chủ tịch
UBND huyện, thị xã, thành phố.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có
trách nhiệm xem xét, tổng hợp danh sách và kinh phí gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính
thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
II. Nhiệm vụ và các giải
pháp:
1. Nhiệm vụ:
1.1. Đối với cấp Tiểu học:
- Tập trung giải quyết số cán bộ quản lý và giáo
viên dạy các bộ môn văn hóa thừa: 3.430 người
- Bố trí, sắp xếp giáo viên dạy các bộ môn thiếu,
viên chức hành chính thiếu, giáo viên phụ trách Đội thiếu: 1.527 người
1.2. Đối với cấp THCS:
- Tập trung giải quyết số cán bộ quản lý và giáo
viên dạy các bộ môn TN-XH thừa: 2.926 người;
- Bố trí, sắp xếp giáo viên dạy các bộ môn thiếu,
viên chức hành chính thiếu, giáo viên phụ trách Đội thiếu: 3.086 người
2. Giải pháp thực hiện:
2.1. Thực hiện tinh giản biên chế theo qui định tại
Nghị định số 132/2007/NĐ-CP:
- Những người thuộc diện dôi dư, đủ 55 tuổi đến
đủ 59 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng
bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì giải quyết cho về hưu trước tuổi theo Khoản
1, Điều 5 Nghị định số 132/2007/ NĐ-CP.
- Những người thuộc diện dôi dư nhưng chưa đủ tuổi
để về hưu trước tuổi theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến
30/6/2008 đủ 52 tuổi trở lên đối với nam, đủ 47 tuổi trở lên đối với nữ, thì giải
quyết cho nghỉ công tác đến khi đủ tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi.
- Những người thuộc diện dôi dư có nguyện vọng về
thôi việc ngay thì giải quyết cho thôi việc theo Khoản 1, Điều 7 Nghị định số
132/2007/ NĐ-CP của Chính phủ.
- Những người thuộc diện dôi dư, dưới 45 tuổi,
có sức khoẻ, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật, nếu có nguyện vọng đi học
nghề để thôi việc, tự tìm kiếm việc làm mới thì tạo điều kiện cho họ đi học nghề
và giải quyết chính sách theo Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 132/2007/ NĐ-CP của
Chính phủ.
2.2 Sắp xếp, bố trí lại công việc hoặc cho
đi học bồi dưõng, đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi công việc:
a) Bồi dưỡng ngắn hạn để sắp xếp, bố trí lại
công việc:
- Những người thuộc diện dôi dư, có năng khiếu
hoạt động đoàn, đội được bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của tỉnh Đoàn để
bố trí làm Tổng phụ trách Đội.
- Những người thuộc diện dôi dư, ở độ tuổi dưới
45, đủ sức khoẻ, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, cho đi bồi
dưỡng văn thư, thiết bị, thư viện để bố trí làm công tác Thiết bị - Thư viện,
Văn thư - Thủ quĩ trường học.
b) Đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình chuyên
sâu để chuyển đổi bộ môn:
- Những người thuộc diện dôi dư, có trình độ
chuyên môn phù hợp, được bố trí cho đi bồi dưỡng để dạy giáo dục hướng nghiệp,
các môn: Tự chọn, Giáo dục tập thể, Giáo dục ngoài giờ.
- Những người thuộc diện dôi dư, có năng khiếu,
được bố trí đi đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm Tiểu học theo chương trình
chuyên sâu Văn - Nhạc, Toán - Hoạ hoặc Toán - Thể dục theo Quyết định số
2493/GD-ĐT ngày 25/7/1995 của Bộ giáo dục & Đào tạo để bố trí giảng dạy các
môn Nhạc, Hoạ, Thể dục.
- Những người thuộc diện dôi dư, ở độ tuổi dưới
45, có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cho đi học
Sơ cấp Y tế để bố trí làm Y tế học đường.
3. Chính sách giải quyết cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên hành chính cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc diện dôi dư.
Cán bộ quản
lý, giáo viên, nhân viên hành chính thuộc diện dôi dư, được giải quyết về hưu
trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi về hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc hoặc được
bố trí đi đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi công việc, ngoài các chế độ, chính
sách hiện hành của Nhà nước, còn được hưởng chính sách của tỉnh quy định tại
Quyết định số 206/2009/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2009 của UBND tỉnh.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập
Ban chỉ đạo giải quyết giáo viên dôi dư; tiến hành sắp xếp lại các trường tiểu
học, THCS trên địa bàn quản lý; xác định số lượng, cơ cấu cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên hành chính và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn cho từng vị trí
công tác trong từng trường theo quy định của nhà nước; chỉ đạo, hướng dẫn các
trường tiểu học, trung học cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên
theo mặt bằng chung của huyện, thị xã, thành phố (không đánh giá, xếp loại theo
mặt bằng các trường); lập danh sách những người thuộc diện dôi dư và hướng giải
quyết (về hưu trước tuổi; nghỉ công tác chờ về hưu trước tuổi; nghỉ thôi việc;
bố trí làm công việc khác; bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi môn dạy)
và dự toán kinh phí giải quyết chế độ theo chính sách của Nhà nước và của tỉnh
gửi Sở Tài chính, Sở Nội vụ để thẩm định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với
các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, các ngành có liên quan và UBND
các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển
giáo dục, trình UBND tỉnh điều chỉnh mạng lưới trường lớp Tiểu học, THCS và xác
định tỷ lệ HS/lớp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng
vùng, miền trong tỉnh; trình UBND tỉnh ban hành các tiêu chí và hướng dẫn đánh
giá, xếp loại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. nhân viên hành chính các trường;
chủ trì phối hợp với Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Y tế, Sở Nội vụ và UBND các
huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng số cán bộ, giáo
viên dôi dư để làm Tổng phụ trách Đội, giáo viên phụ trách Đoàn - Đội, nhân
viên y tế trường học.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế
hoạch đào tạo, đào tạo lại cho số cán bộ, giáo viên dôi dư để chuyển đổi công
việc.
4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định
danh sách và kinh phí giải quyết chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân
viên hành chính dôi dư của các huyện, thị xã, thành phố theo chính sách của tỉnh;
tổng hợp, lập danh sách và dự toán kinh phí trình UBND tỉnh xem xét quyết định;
hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chi trả, thanh quyết toán kinh phí
theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước./.