Quyết định 3034/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 3034/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/12/2020
Ngày có hiệu lực 03/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Chương
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3034/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 03 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CHỦ LỰC TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2471/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 28/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển thương mại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025; Kết luận số 12-KL/TU ngày 28/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 03/10/2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định 624/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương Đề án phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 -2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1179/TTr-SCT ngày 20/11/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, có Đề án chi tiết kèm theo.

Điều 2. Giao Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và xã hội; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Hiệp Hội DN tỉnh;
- Kho bạc NN Hoà Bình;
- Chánh, Phó CVP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TT (30).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Chương

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CHỦ LỰC TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3034/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình)

I. THÔNG TIN CHUNG ĐỀ ÁN

1. Tên Đề án : “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”

2. Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

3. Cơ quan lập và triển khai thực hiện: Sở Công Thương.

4. Phạm vi thực hiện: Nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Hòa Bình.

5. Địa bàn thực hiện: Trên địa bàn các huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình.

6. Đối tượng thực hiện: Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình trực tiếp thực hiện hoặc tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ thuộc phạm vi và địa bàn thực hiện.

II. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại - xu hướng của thời đại và trở thành làn sóng lôi cuốn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia - đã mang đến nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức đối với quốc gia, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia vào tiến trình này. Đối với Hòa Bình, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ nét nhất trên hai giác độ và có quan hệ mật thiết với nhau, đó là: một mặt nỗ lực hấp thu những nguồn lực đầu tư tư bên ngoài làm động lực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, mặt khác, mở rộng và thúc đẩy nhanh quan hệ thương mại quốc tế để phát huy tối đa những lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đem lại lợi ích cho nền kinh tế thông qua hoạt động ngoại thương.

Cùng với cả nước, trong nhiều năm qua hoạt động xuất nhập khẩu của Tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và giá trị, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm, mở rộng sản xuất ở những ngành có lợi thế vượt trội nhờ vị thế địa kinh tế của Tỉnh, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tỉnh. Tuy nhiên, cũng như tình trạng phát triển chung của cả nước, hoạt động thương mại nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh còn phát triển thiếu bền vững, chưa có định hướng phát triển lâu dài gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác tối đa lợi thế của Tỉnh, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa trong khâu phân phối và xuất khẩu.

[...]