Kế hoạch 250/KH-UBND năm 2021 về xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 250/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2021
Ngày có hiệu lực 18/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 18 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁC NÔNG SẢN CHỦ LỰC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo điều kiện thuận lợi, phát huy sự chủ động của các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,…) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với nông sản chủ lực nhằm phát triển, ổn định sản xuất, nâng cao danh tiếng, chất lượng, giá trị nông sản tỉnh Đồng Tháp.

- Tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực phù hợp, đồng bộ với chương trình, đề án, kế hoạch phát triển của Bộ ngành, Tỉnh.

- Kế hoạch được triển khai khẩn trương, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ; đảm bảo sự phối hợp tích cực, có hiệu quả của cơ quan, đơn vị liên quan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp khởi tạo, hỗ trợ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với nông sản chủ lực nhằm tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) và thương hiệu của doanh nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,…).

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh.

- Có ít nhất 05 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, bao gồm: vùng sản xuất xoài xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh; vùng sản xuất trọng điểm cây có múi 03 xã: Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước (huyện Lai Vung); vùng sản xuất màu trọng điểm, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò); vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển (huyện Tháp Mười); vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân (huyện Châu Thành).

- Triển khai thực hiện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen trở thành thương hiệu quan trọng của Tỉnh, hướng tới xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng như EU, Trung Quốc, Nhật Bản.

- Xây dựng ít nhất 02 quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng lượng nông sản chủ lực.

- Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp.

- Ký ít nhất 02 hợp đồng tiêu thụ, thỏa thuận hợp tác dài hạn với những đối tác thương mại lớn trong xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản chủ lực của Tỉnh.

- Hình thành ít nhất 02 phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực tại các tỉnh, thành phố lớn; duy trì ổn định và có hiệu quả 02 trung tâm giới thiệu, trưng bày nông sản tỉnh Đồng Tháp tại Hà Nội và Kiên Giang (Phú Quốc); hỗ trợ các doanh nghiệp vận hành, hoặc tham gia các phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực trong và ngoài nước.

- Nghiên cứu xây dựng ít nhất 03 đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Tỉnh.

III. CÁC NÔNG SẢN CHỦ LỰC ƯU TIÊN HỖ TRỢ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

1. Lĩnh vực trồng trọt: lúa - gạo, xoài, hoa - kiểng, cây có múi, nhãn, khoai lang, sen, kiệu, khoai môn.

2. Lĩnh vực thuỷ sản: cá tra, cá điêu hồng, cá sặc rằn, khô cá lóc, lươn.

3. Lĩnh vực chăn nuôi: vịt hướng trứng.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

[...]