Quyết định 1038/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 1038/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/04/2022
Ngày có hiệu lực 22/04/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Phạm Văn Thành
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1038/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHUỖI CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CHỦ LỰC CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Thú y năm 2015; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Trồng trọt năm 2018; Luật Chăn nuôi năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030; số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 Phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030; số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 về Phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 194/2018/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh;

Căn cứ Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 10/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1415/TTr-SNNPTNT ngày 06/4/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phát triển chuỗi các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế cấp tỉnh; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu nông sản cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định;

- Phát triển chuỗi các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến từ sản phẩm thô sang chế biến sản phẩm tinh để tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cao của thị trường;

- Hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến và bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

- Đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân lành nghề về khoa học công nghệ, kinh tế thị trường; từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhất là tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Phát triển liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm thiết lập các liên kết bền vững từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại tất cả các công đoạn trên cơ sở phân tích và quản lý nguy cơ;

- Nâng cao nhận thức cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về liên kết chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản, góp phần nhận diện, phân biệt, phát triển sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm;

- Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)... trong chế biến nông sản tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu;

- Tăng giá trị kinh tế và tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo quy mô, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022 - 2025

- Đến năm 2025, duy trì số lượng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn hiện có; phát triển 16 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, với sự tham gia liên kết chuỗi của 30 doanh nghiệp, 150 Hợp tác xã và khoảng 15.000 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh; đảm bảo việc hình thành và thiết lập các liên kết chuỗi bền vững, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao;

[...]