BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2765/QĐ-BNN-KHCN
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA "SẢN PHẨM
LÚA GẠO VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO, NĂNG SUẤT CAO"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định
số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình phát triển
sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 439/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục sản
phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương
trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số
10/2013/TT-BKHCN ngày 29 tháng 03 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1398/QĐ-BKHCN
ngày 05 tháng 6 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công Cơ quan
chủ quản sản phẩm quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc
gia "Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao" thuộc
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 với các yêu cầu về mục
tiêu, nhiệm vụ và sản phẩm được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối
hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án khung đã được phê duyệt tại Điều 1 theo các
quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản
phẩm quốc gia đến năm 2020 và các văn bản khác có liên quan đến Chương trình
phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Điều 3.
Chánh Văn Phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN;
- BCN CTPTSQG;
- Lưu VT, KHCN. (15 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
PHỤ LỤC
ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA "SẢN PHẨM
LÚA GẠO VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO, NĂNG SUẤT CAO"
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2765/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 11 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành lúa gạo sản xuất
hàng hóa có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng
bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến
gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị
trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo,
nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia, nâng cao thu nhập cho nông
dân trồng lúa và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu kinh tế - xã hội
- Phát triển liên kết sản xuất, tiêu
thụ, xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất
lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy lúa, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù
hợp với quy mô sản xuất: đến năm 2015 đạt 400 nghìn ha/năm, đến 2020 là 2 triệu
ha/năm gieo trồng chủ yếu tập trung tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng
bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, đạt sản lượng khoảng 15 triệu tấn lúa, chiếm
1/3 sản lượng lúa cả nước.
- Nâng cao thu nhập của người trồng
lúa trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm
lúa gạo: đến 2015 tăng 20% và đến 2020 là 50% so với mức thu nhập bình quân năm
2013.
- Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất
tiêu thụ lúa gạo, hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu lúa gạo
có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với gạo
Thái Lan trong cùng nhóm chất lượng.
- Tăng cường và nâng cao năng lực
nghiên cứu, phát triển công nghệ cho một số cơ sở nghiên cứu
nhà nước và một số doanh nghiệp đạt trình độ khu vực và quốc tế.
- Có ít nhất 30 doanh nghiệp kinh
doanh lúa gạo tại thị trường trong nước và xuất khẩu, là những doanh nghiệp hạt
nhân liên kết với nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào để xây dựng các vùng lúa nguyên liệu.
b) Mục tiêu khoa học và
công nghệ
- Chọn tạo và phát triển các giống
lúa mới:
+ Chọn tạo và phát triển được các giống lúa ngắn ngày, có chất lượng cao, năng suất cao phù hợp
với thị trường trong nước và xuất khẩu, có giá trị hàng
hóa cao (đạt giá trị tương đương 600 USD/tấn trở lên), chống
chịu được với sâu bệnh hại chính và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, thích hợp với
các vùng trồng lúa trọng điểm.
+ Chọn tạo và phát triển được các giống lúa thơm ngắn ngày, chất lượng cao phù hợp với thị trường
trong nước và xuất khẩu, có giá trị hàng hóa cao (đạt giá trị tương đương
800USD/tấn trở lên), chống chịu được với sâu bệnh hại chính và điều kiện ngoại
cảnh bất thuận, thích hợp với các vùng trồng lúa trọng điểm;
- Hoàn thiện được quy trình công nghệ
sản xuất hạt giống và quy trình canh tác lúa tiên tiến phù hợp theo GAP, nâng
cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo
an toàn thực phẩm.
- Cải thiện và nâng cao hiệu quả hệ
thống bảo vệ thực vật hướng tới nâng cao sản xuất, chất lượng lúa gạo và bảo đảm
an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Xây dựng hệ thống tưới, tiêu nước bền
vững, ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm trong sản xuất lúa gạo.
- Hoàn thiện được quy trình công nghệ
sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo) quy mô công nghiệp nhằm nâng cao
chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống 4-5%; hoàn thiện công nghệ sử dụng
trấu, rơm rạ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm
lúa gạo.
- Hoàn thiện được thể chế, chính sách
phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, quản trị
tốt trên cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung.
II. CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
CỦA ĐỀ ÁN
1. Nội dung khoa học và
công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia
- Nội dung 1:
Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ phát triển sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng và năng suất cao, giá trị thương mại cao.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới
phục vụ phát triển sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, giá
trị thương mại cao; nghiên cứu cải tiến một số giống lúa chủ lực hiện có trong
sản xuất (nhiễm sâu bệnh, chống chịu điều kiện bất lợi...);
hoàn thiện quy trình sản xuất giống và quy trình kỹ thuật canh tác các giống
lúa mới.
+ Nghiên cứu các mô hình tổ chức sản
xuất kinh doanh giống bền vững
+ Xây dựng các dự án sản xuất thử
nghiệm, mô hình khuyến nông, trình diễn và chuyển giao các
giống lúa mới vào sản xuất.
- Nội dung 2: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến nhằm giảm chi
phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát khí thải nhà kính tại các vùng
trồng lúa chính của Việt Nam.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu hoàn thiện các gói kỹ
thuật gieo trồng lúa tiết kiệm vật tư, giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà
kính, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa ở các vùng
khác nhau.
+ Xây dựng các dự án sản xuất
thử nghiệm, mô hình khuyến nông, trình diễn và chuyển giao gói tiến
bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.
- Nội dung 3: Nghiên cứu cải thiện hệ thống bảo vệ thực vật hướng tới nâng cao hiệu
quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu bộ máy tổ chức dịch vụ bảo
vệ thực vật và cơ chế chính sách vận hành bền vững, hoạt động hiệu quả trong sản
xuất lúa gạo.
+ Nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến,
đồng bộ phòng trừ sâu bệnh hại nhằm giảm giá thành, bảo đảm vệ sinh an toàn thực
phẩm, bảo vệ môi trường tại các vùng trồng lúa chính.
+ Xây dựng các dự án sản xuất thử
nghiệm, mô hình khuyến nông, trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới
vào sản xuất.
- Nội dung 4: Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu nước phục vụ phát triển sản
xuất lúa gạo.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật sử
dụng tưới tiết kiệm trong trồng lúa ở các vùng trồng lúa khác nhau.
+ Nghiên cứu công nghệ tưới, tiêu nước
bền vững, hiệu quả cho các vùng trồng lúa khác nhau.
+ Xây dựng các dự án sản xuất thử
nghiệm, mô hình khuyến nông, trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới
vào sản xuất.
- Nội dung 5: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sấy, chế biến, bảo quản lúa
gạo và công nghệ sử dụng trấu, rơm rạ quy mô công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng,
gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ
thuật sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng
cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo.
+ Nghiên cứu công nghệ sử dụng trấu,
rơm rạ quy mô công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo.
+ Xây dựng các dự án sản xuất thử
nghiệm, mô hình trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ
thuật mới vào công đoạn sau thu hoạch.
- Nội dung 6: Nghiên cứu thể chế, chính sách phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh
tranh, giá trị gia tăng cao, quản trị trên "cánh đồng mẫu lớn", vùng
nguyên liệu lúa tập trung.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu cơ chế, chính sách, mô
hình thể chế để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng
cạnh tranh, gia tăng giá trị, quản trị chất lượng tốt.
+ Mô hình quản trị, cơ chế, chính
sách hỗ trợ phát triển nhãn hiệu hàng hóa gạo chất lượng
cao; phát triển thương hiệu gạo cho thị trường trong và ngoài nước gắn với các
loại chuỗi giá trị.
2. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm
quốc gia
- Nội dung 1: Hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa các cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng,
xác nhận 1, 2) phục vụ các vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao.
- Nội dung 2:
Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng mẫu
lớn, vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đạt quy mô 0,4
triệu ha vào năm 2015 và 2,0 triệu ha gieo trồng vào năm 2020 phục vụ nội tiêu
và xuất khẩu.
Tổng diện tích đầu tư sản xuất từ
2014 đến 2020 là 7 triệu ha gieo trồng, dự kiến như sau: năm 2014: 0,2 triệu
ha; năm 2015: 0,4 triệu ha; năm 2016: 0,7 triệu ha; năm 2017: 0,9 triệu ha; năm
2018: 1,3 triệu ha; năm 2019: 1,5 triệu ha; năm 2020: 2,0 triệu ha gieo trồng.
- Nội dung 3: Hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ thực vật và cơ
chế chính sách vận hành bền vững trong sản xuất lúa gạo.
Hỗ trợ và xây dựng hệ thống tưới,
tiêu nước phục vụ sản xuất lúa gạo ở một số vùng trồng chính
- Nội dung 4: Hỗ trợ xây dựng và phát triển các hệ thống sấy, kho bảo quản, nhà máy
xay xát lúa gạo để đến 2020 đáp ứng yêu cầu sản xuất 2 triệu ha vùng nguyên liệu
lúa hàng hóa.
Hỗ trợ sản xuất các
sản phẩm từ trấu, rơm rạ tại các vùng nguyên liệu lúa hàng hóa tập trung.
3. Thương mại hóa và phát
triển thị trường sản phẩm lúa gạo
Hỗ trợ một số
doanh nghiệp xây dựng chính sách quản trị chất lượng trên cánh đồng mẫu lớn,
xây dựng chuỗi phân phối, marketing giống, sản phẩm, xây dựng
thương hiệu lúa gạo, quảng bá sản phẩm có khả năng cạnh
tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
4. Tăng cường và nâng cao
năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ
- Nội dung 1: Tăng cường và nâng cao năng lực nghiên cứu chọn tạo giống lúa cho một
số cơ sở nghiên cứu nhà nước chủ lực đạt trình độ quốc tế (Viện lúa Đồng bằng
sông Cửu Long, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp
Hà Nội, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang,...).
- Nội dung 2: Tăng cường và nâng cao năng lực nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống
lúa cho một số doanh nghiệp KHCN đạt trình độ quốc tế (Công ty Cổ phần giống
cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần giống cây trồng miền
Nam, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần TCT giống cây trồng
Thái Bình, Công ty cổ phần TCT Vật tư Nông nghiệp Nghệ An...).
III. SẢN PHẨM DỰ KIẾN CỦA ĐỀ ÁN
Sản phẩm chính của Đề án:
1. Giống lúa
a) 6-8 giống lúa ngắn ngày (dưới 110
ngày ở phía Bắc và dưới 100 ngày ở phía Nam), có năng suất cao (tối thiểu 7,0 tấn
vụ xuân và 6,0 tấn ở vụ mùa), chất lượng tốt (hàm lượng amylose dưới 22%, hạt gạo
dài, trong, ít hoặc không bạc bụng), chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất
thuận, được công nhận chính thức, bảo hộ quyền đối với giống
cây trồng; là giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm, đạt giá trị
tương đương 600 USD/tấn trở lên; được doanh nghiệp nhận chuyển giao, chuyển nhượng
quyền tác giả và được đưa vào dự án đầu tư sản xuất lúa gạo.
b) 5-7 giống lúa thơm ngắn ngày (dưới
110 ngày ở phía Bắc và dưới 100 ngày ở phía Nam), có năng suất cao (tối thiểu
6,5 tấn/ha trong vụ xuân và 6,0 tấn /ha trong vụ mùa), chất lượng tốt (hàm lượng
amylose dưới 22%, hạt gạo dài trên 7mm, có mùi thơm), chống chịu tốt với sâu bệnh
và điều kiện bất thuận, được công nhận chính thức, bảo hộ quyền đối với giống
cây trồng, là giống lúa chủ lực trong sản xuất ít nhất 10 năm, đạt giá trị
tương đương 800USD/tấn trở lên; được doanh nghiệp nhận chuyển giao, chuyển nhượng
quyền tác giả và được đưa vào dự án đầu tư sản xuất lúa gạo.
2. Quy trình công nghệ, báo
cáo chuyên đề
a) Quy trình công nghệ sản xuất hạt
giống và quy trình kỹ thuật canh tác cho các giống lúa mới.
b) Quy trình công nghệ sản xuất lúa
tiên tiến, phù hợp GAP nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu
quả kinh tế và giảm phát khí thải nhà kính cho các vùng sản xuất lúa trọng điểm.
c) Quy trình kỹ thuật tiên tiến, đồng
bộ phòng trừ sâu bệnh hại, nhằm giảm giá thành, bảo đảm an toàn thực phẩm lúa gạo,
bảo vệ môi trường.
d) Quy trình kỹ thuật sử dụng tưới tiết
kiệm và quy trình công nghệ tưới, tiêu nước bền vững.
e) Quy trình kỹ thuật sấy, chế biến,
bảo quản lúa gạo quy mô công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm
lúa gạo.
g) Quy trình công nghệ sử dụng trấu,
rơm rạ quy mô công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo.
h) Báo cáo xây dựng thể chế, chính
sách hỗ trợ đối tác tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên cánh đồng
mẫu lớn, vùng lúa nguyên liệu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo;
mô hình quản lý sử dụng nước tưới tiết kiệm, dịch vụ bảo vệ thực vật trên cánh
đồng mẫu lớn, vùng lúa nguyên liệu.
3. Sản xuất hạt giống, lúa
thương phẩm
a) Sản lượng hạt giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận đặt
yêu cầu theo Quy chuẩn Việt Nam, cung
cấp đủ để gieo
trồng 7 triệu ha tại các vùng nguyên liệu lúa hàng hóa.
b) Vùng lúa nguyên liệu hàng hóa chất
lượng cao với tổng diện tích đầu tư sản xuất từ năm 2014 đến 2020 đạt 7 triệu
ha gieo trồng, trong đó dự kiến: năm 2014: 0,2 triệu ha; năm 2015: 0,4 triệu ha;
năm 2016: 0,7 triệu ha; năm 2017: 0,9 triệu ha; năm 2018: 1,3 triệu ha; năm
2019: 1,5 triệu ha; năm 2020: 2,0 triệu ha gieo trồng.
4. Nâng cao tiềm lực khoa học
công nghệ và sản xuất lúa gạo
a) Cơ sở hạ tầng (hệ thống lò sấy, nhà kho bảo quản, nhà máy chế biến xay xát) cho các vùng nguyên liệu
lúa chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; đến 2020 đáp ứng yêu cầu sản
xuất 2 triệu ha lúa nguyên liệu.
b) 5-10 doanh nghiệp đủ điều kiện có
được thương hiệu lúa gạo cạnh tranh trên thị trường trong
nước và xuất khẩu.
c) Đào tạo 15-20 thạc sỹ và 5-7 tiến
sỹ chuyên ngành sản xuất lúa gạo gắn với các nội dung nghiên cứu của Đề án.
d) 4-5 đơn vị nghiên cứu nhà nước được
tăng cường cơ sở vật chất cho nghiên cứu và sản xuất giống lúa đạt trình độ quốc
tế.
e) Ít nhất 30 doanh nghiệp hạt nhân
liên kết trong nghiên cứu và sản xuất hạt giống lúa, trong
đó có 4-5 doanh nghiệp khoa học công nghệ được tăng cường
cơ sở vật chất cho nghiên cứu và sản xuất giống lúa đạt trình độ khu vực./.