BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
2690/QĐ-BNN-KHCN
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA "SẢN PHẨM NẤM ĂN
VÀ NẤM DƯỢC LIỆU”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008;
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng
12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản
phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia
thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm
2020;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29
tháng 03 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản
lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1398/QĐ-BKHCN ngày 05 tháng
6 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công Cơ quan chủ quản sản
phẩm quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Sản
phẩm nấm ăn và nấm dược liệu" thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc
gia đến năm 2020 với các yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ và sản phẩm được quy định
tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với
các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm tổ chức thực hiện Đề án khung đã được phê duyệt tại Điều 1 theo các quy định
tại Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc
gia đến năm 2020 và các văn bản khác có liên quan đến Chương trình phát triển sản
phẩm quốc gia đến năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN;
- BCN CTPTSPQG;
- Lưu: VT, KHCN. (15 bản)
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
PHỤ LỤC
ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA “SẢN PHẨM NẤM ĂN
VÀ NẤM DƯỢC LIỆU”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2690/QĐ-BNN-KHCN ngày 12 tháng 11 năm 2013
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành nấm ăn, nấm dược liệu thành ngành
sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ
cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ;
tạo thương hiệu nấm của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và
Quốc tế; góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế
cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu kinh tế - xã hội
- Đến năm 2020 sản xuất khoảng 150.000 tấn nấm các
loại, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nấm cả nước, giá trị hàng hóa đạt 5.000 tỷ/năm,
trong đó xuất khẩu đạt tối thiểu 100-120 triệu USD/năm.
- Hình thành hệ thống gồm khoảng 40-50 doanh nghiệp
phát triển thành các doanh nghiệp trung tâm liên kết với các thành phần kinh tế
khác tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm tập trung, quy mô công nghiệp.
b) Mục tiêu về khoa học và công nghệ
- Chọn tạo và phát triển giống nấm ăn và nấm dược
liệu mới:
+ Làm chủ công nghệ về chọn tạo giống cho các loại
nấm chủ lực (nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm đùi gà, nấm sò, nấm linh chi);
tuyển chọn, lai tạo được một số giống nấm ăn và nấm dược liệu mới có chất lượng
tốt, năng suất cao, thích ứng điều kiện sinh thái và nuôi trồng khác nhau của
Việt Nam.
+ Xây dựng được các quy trình công nghệ sản xuất giống
nấm, tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian nhân giống; qui trình kỹ thuật nuôi trồng
và phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại nấm ăn và nấm dược liệu.
- Cơ giới hóa ngành sản xuất nấm và làm chủ công
nghệ sản xuất nấm trên qui mô công nghiệp:
+ Xây dựng được các quy trình nuôi trồng nấm quy mô
công nghiệp cho các loại nấm chủ lực.
+ Thiết kế, chế tạo và sản xuất được một số thiết bị
chủ yếu phục vụ cơ giới hóa sản xuất nấm.
- Xây dựng được các quy trình công nghệ chế biến
các sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu với quy mô công nghiệp, có giá trị gia
tăng cao
- Tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển ngành nấm:
+ Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một
số cơ sở nghiên cứu và một số doanh nghiệp khoa học công nghệ về nấm.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
cho cán bộ khoa học, người sản xuất nấm để làm chủ về khoa học và công nghệ
phát triển sản phẩm Quốc gia.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA
ĐỀ ÁN
1. Nội dung khoa học và công
nghệ phát triển sản phẩm quốc gia
- Nội dung 1: Nghiên cứu chọn tạo giống,
công nghệ sản xuất giống, giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại các loại nấm ăn và nấm
dược liệu chủ lực (nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm đùi gà, nấm sò, nấm linh
chi) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nhập nội, chọn tạo các chủng nấm mới có năng suất
cao, chất lượng cao, thích ứng điều kiện các vùng miền; nghiên cứu, hoàn thiện
quy trình kỹ thuật sản xuất giống nấm dạng dịch thể quy mô công nghiệp; nghiên
cứu các giải pháp khoa học công nghệ phòng trừ sâu bệnh hại nấm.
+ Xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm, các mô hình
trình diễn, mô hình khuyến nông áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được
nghiên cứu, hoàn thiện.
- Nội dung 2: Nghiên cứu quy trình sản
xuất quy mô công nghiệp và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nấm ăn và nấm dược
liệu.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Lựa chọn, nhập nội thiết bị công nghệ để sản xuất
nấm quy mô công nghiệp phù hợp chủng loại nấm, vùng sản xuất và nguyên liệu
khác nhau;
+ Thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị phù hợp
được lựa chọn.
+ Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nấm mỡ, nấm
rơm, nấm mộc nhĩ, nấm đùi gà, nấm sò, nấm linh chi quy mô công nghiệp.
+ Xây dựng mô hình sản xuất nấm quy mô công nghiệp
áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nấm.
- Nội dung 3: Nghiên cứu và hoàn thiện
công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm chế biến từ nấm và từ bã thải
của quá trình sản xuất nấm.
Các nhiệm vụ chủ yếu:
+ Nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ nấm ăn và nấm
dược liệu; nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ sản xuất phân bón hữu
cơ, hữu cơ vi sinh từ bã thải sản xuất nấm phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
+ Xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm, các mô hình
trình diễn, mô hình khuyến nông áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được
nghiên cứu, hoàn thiện.
2. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm nấm
ăn và nấm dược liệu
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ liên kết với
nông dân xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư sản xuất gồm:
- Nội dung 1: Hỗ trợ sản xuất, sơ chế
các sản phẩm nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm mỡ, nấm đùi gà, nấm linh chi quy
mô công nghiệp.
Tổng sản lượng nấm tươi được sản xuất từ năm 2014 đến
2020 là 500 nghìn tấn, dự kiến như sau: năm 2014: 15 nghìn tấn; năm 2015 đạt 30
nghìn tấn; năm 2016: 45 nghìn tấn, năm 2017: 70 nghìn tấn, năm 2018: 90 nghìn tấn,
năm 2019: 110 nghìn tấn, đến 2020: 140 nghìn tấn.
- Nội dung 2: Hỗ trợ chế biến các sản
phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu ở dạng muối, sấy khô, đóng hộp,... quy mô công
nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Nội dung 3: Hỗ trợ sản xuất giống nấm
chất lượng cao ở dạng thể rắn và dịch thể phục vụ các dự án đầu tư sản xuất sản
phẩm nấm ăn và nấm dược liệu.
- Nội dung 4: Hỗ trợ nhập khẩu, chế tạo
các thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm.
3. Thương mại hóa sản phẩm và
phát triển thị trường
Hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nấm
ăn và nấm dược liệu, xúc tiến thương mại, mở rộng và phát triển thị trường nấm
ăn và nấm dược liệu Việt Nam.
4. Tăng cường và nâng cao
năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ
- Nội dung 1: Tăng cường năng lực
nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản xuất giống nấm của một số cơ sở nghiên
cứu chủ lực của nhà nước (Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật...).
- Nội dung 2: Tăng cường năng lực
nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản xuất nấm của một số doanh nghiệp liên kết
vùng, liên kết nông dân, thúc đẩy hình thành một số doanh nghiệp khoa học công
nghệ chuyên về nấm.
III. SẢN PHẨM DỰ KIẾN CỦA ĐỀ ÁN
Các sản phẩm chính của Đề án:
1. Giống nấm: 6-8 giống nấm mới có chất lượng
tốt, năng suất cao, thích ứng điều kiện nước ta.
2. Quy trình công nghệ
a) 06 quy trình nhân giống và cấy truyền giống nấm
dịch thể cho 6 loại nấm chủ lực.
b) 06 quy trình sản xuất nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, nấm
mộc nhĩ, nấm đùi gà, nấm linh chi quy mô công nghiệp, bao gồm cả các biện pháp
phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên nấm.
c) Quy trình công nghệ chế biến các loại nấm chủ lực
quy mô công nghiệp.
3. Mô hình, sản phẩm
a) Tối thiểu 5 mô hình hệ thống thiết bị đồng bộ
cho sản xuất nấm quy mô công nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 50% được áp
dụng trong sản xuất nấm hàng hóa quy mô công nghiệp.
b) Tối thiểu 10 sản phẩm mới chế biến từ nấm ăn và
nấm dược liệu mới được tạo ra.
c) Tổng sản lượng nấm tươi được sản xuất là 500
nghìn tấn nấm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến năm 2020 sản xuất khoảng
150.000 tấn nấm các loại, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nấm cả nước, giá trị
hàng hóa đạt 5.000 tỷ/năm, trong đó xuất khẩu đạt tối thiểu 100-120 triệu
USD/năm. Dự kiến tỷ lệ sản phẩm chủ lực như sau: nấm rơm 30%, nấm mộc nhĩ 30%,
nấm sò 30%, nấm mỡ 5%, nấm đùi gà 4%, nấm dược liệu 1%.
4. Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ và sản
xuất nấm
a) Xây dựng 40-50 doanh nghiệp thành trung tâm liên
kết với các thành phần kinh tế tổ chức sản xuất, chế biến nấm tập trung.
b) Một số cơ sở nghiên cứu nấm chủ lực được nâng cấp
cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và công nghệ
phát triển sản phẩm quốc gia.
c) Đào tạo 3-4 tiến sỹ, 10-15 thạc sỹ chuyên ngành
về nấm./.