Quyết định 4665/QĐ-BCT năm 2015 về Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 4665/QĐ-BCT
Ngày ban hành 14/05/2015
Ngày có hiệu lực 14/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Hoàng Quốc Vượng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4665/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT SẢN PHẨM CAO SU VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển sản xuất các sản phẩm cao su trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tăng cường và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, phát huy những lợi thế và tiềm năng phát triển, đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững.

b) Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số sản phẩm cao su có lợi thế cạnh tranh đồng thời từng bước phát triển các sản phẩm chất lượng cao, các sản phẩm ứng dụng trong các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tận dụng lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Xây dựng và phát huy các nguồn lực để phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm tỷ trọng nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị SXCN sản xuất sản phẩm cao su giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14 - 15%; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15% và 12% trong giai đoạn 2026 - 2035;

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm của sản xuất sản phẩm cao su giai đoạn 2015 - 2020 đạt 15,4%; duy trì tăng trưởng 15,4% trong giai đoạn 2021 - 2025; giai đoạn 2026 - 2035 đạt 12%;

- Tỷ trọng giá trị SXCN sản xuất sản phẩm cao su trong toàn ngành công nghiệp hóa chất đạt 23% vào năm 2020, 23,5% vào năm 2025, và đạt 24% vào năm 2035;

- Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su đến năm 2020 đạt 750 triệu USD, năm 2025 đạt 1 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2%/năm và đạt 2 tỷ USD vào năm 2035;

- Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su có nhu cầu sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất.

3. Định hướng phát triển

Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các dây chuyền công nghệ đầu tư mới. Sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tận dụng các lợi thế cạnh tranh, chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao và đẩy mạnh xuất khẩu.

4. Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

4.1. Quy hoạch phát triển đến năm 2025

a) Giai đoạn đến năm 2020

Bên cạnh một số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, đề xuất thực hiện một số các dự án phát triển sản xuất sản phẩm cao su như sau:

- Đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ và thiết bị tại các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su hiện có trong nước, chú trọng nâng cao chất lượng lốp xe máy có săm và không săm, đẩy mạnh sản xuất săm ô tô, xe máy bằng cao su butyl nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước;

[...]