Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 22/2014/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/10/2014
Ngày có hiệu lực 01/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Mạnh Hiển
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2014/QÐ-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp quản lý

1. Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

2. Xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nội dung công việc, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo.

3. Giải quyết các nội dung liên quan đến tôn giáo phải bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật; trường hợp không chấp thuận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân. Các hành vi lợi dụng tôn giáo để gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự hoặc cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Tham gia quản lý hoạt động tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương, giải quyết các nội dung về tôn giáo theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định.

Chương II

NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

[...]