ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
69/2012/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày
11 tháng 10 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH
QUI ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ ĐỊA
PHƯƠNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN
NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.
ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;
Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định
số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín
ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27.10.2007 của
Chính phủ Qui định trách nhiệm đối với Người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị của
Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 của Chính
phủ Qui định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Xét Tờ trình số 193/TTr-SNV ngày 13.9.2012 của Sở Nội vụ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo quyết định này Quy định chế độ trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan
nhà nước, đơn vị địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối
với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị địa
phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tư Pháp (b/c);
- Ban Tôn giáo Chính phủ (b/c);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- TT.BCĐ công tác Tông giáo tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- TT.HU, thị ủy, thành ủy - HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NC, CVP.
|
TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Nhân Chiến
|
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ TRÁCH
NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC THỰC
HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 69/2012/QĐ-UBND
ngày 11/10/ 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về chế độ trách nhiệm và các hình thức
khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn
vị địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị địa phương
có nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa
bàn tỉnh (gọi tắt là Người đứng đầu), bao gồm:
a. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh có
nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;
b. Chủ tịch UBND, Trưởng các Phòng, ban có liên quan của
UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện);
c. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
(sau đây gọi chung là cấp xã);
d. Trưởng thôn, Trưởng khu phố (sau đây gọi chung là Trưởng
thôn).
2. Cấp phó của Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, đơn vị
địa phương quy định tại điểm a, b, c khoản 1 của Điều này cũng phải chịu trách
nhiệm như Người đứng đầu trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý điều
hành bằng văn bản uỷ quyền, thông báo phân công hoặc quyết định phân công phụ
trách lĩnh vực được giao.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được nêu tại Quy định
này bao gồm các việc sau:
- Tuyên truyền đạo, hành đạo, quản đạo của tổ chức, cá nhân
tôn giáo;
- Thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của tín đồ,
nhà tu hành, chức sắc tôn giáo.;
- Mở lớp bồi dưỡng, tổ chức quyên góp, hoạt động từ thiện
nhân đạo, in và phát hành văn hoá phẩm tôn giáo;
- Tổ chức các cuộc lễ, hội nghị, đại hội, phong chức, phong
phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, nhà tu hành trong tôn
giáo;
- Quản lý, sử dụng cơ sở thờ tự, đất đai tôn giáo;
- Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín
ngưỡng, tôn giáo (gồm Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, tu viện,
tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, đình, đền, nghè, miếu, lăng tẩm,
điện, đài, tượng, bia, tháp và các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo)…
Điều 4. Nguyên tắc xác
định trách nhiệm.
1. Khi xem xét chế độ trách nhiệm của Người đứng đầu để
khen thưởng, hoặc xử lý kỷ luật phải khách quan, đúng người, đúng việc, trên cơ
sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Người đứng đầu.
2. Khi xử lý kỷ luật đối với Người đứng đầu phải căn cứ vào
tính chất, mức độ ảnh hưởng và hậu quả do các sai phạm gây ra, có xem xét
tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng và những quy định của pháp luật mà Người
đứng đầu đã để xảy ra.
3. Việc khen thưởng, xử lý kỷ luật Người đứng đầu được thực
hiện theo các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Thi đua khen thưởng và
các quy định tại văn bản này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
Trách nhiệm của Người đứng đầu
trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện
không đúng qui định của Nhà nước
Điều 5. Tổ chức tuyên
truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và
các văn bản có liên quan.
Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức tuyên truyền,
phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước
và các văn bản khác có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ,
công chức, viên chức, quần chúng nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ các
tôn giáo để tự giác thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Điều 6. Kiểm tra, giám
sát các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Người đứng đầu có trách nhiệm chủ động hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở, thực hiện quản lý theo quy
định đã phân cấp.
Điều 7. Cam kết, trách nhiệm của Người đứng đầu.
1. Chủ tịch UBND cấp huyện cam kết và chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn,
không để xảy ra các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện không đúng quy
định của Nhà nước trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đang quản lý. Nếu để xảy
ra các sai phạm thì phải chịu trách nhiệm cá nhân và xử lý theo quy định của
Pháp luật.
2. Chủ tịch UBND cấp xã cam kết và chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn,
không để xảy ra các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện không đúng quy
định của Nhà nước trên địa bàn xã, phường, thị trấn đang quản lý. Nếu để xảy
ra các sai phạm thì phải chịu trách nhiệm cá nhân và xử lý theo quy định của
pháp luật.
3. Trưởng thôn, khu phố cam kết và chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND cấp xã trong việc chỉ đạo tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn,
không để xảy ra các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện không đúng qui
định của Nhà nước trên địa bàn thôn, khu phố đang quản lý. Nếu để xảy ra các
sai phạm thì phải chịu trách nhiệm cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục 2
Trách nhiệm của Người đứng đầu
trong việc chỉ đạo, xử lý các sai phạm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực
hiện không đúng qui định của Nhà nước
Điều 8. Trách nhiệm
trong việc phát hiện các sai phạm.
Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên
môn, cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo ở cơ sở; Hướng dẫn và quản lý các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo đảm
bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Nhà nước; Kịp thời phát hiện các
sai phạm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuộc địa bàn quản lý và chủ động
ngăn chặn, xử lý…
Điều 9. Trách nhiệm
trong việc xử lý, giải quyết các sai phạm.
Khi phát hiện các sai phạm của tổ chức, cá nhân tôn giáo, của
các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo có các hoạt động về tín
ngưỡng, tôn giáo thực hiện không đúng quy định của Nhà nước xảy ra trên địa
bàn, Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, kịp thời tiến hành các biện pháp cần
thiết và phù hợp với quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý đảm bảo ổn định
tình hình tôn giáo, an ninh Chính trị và trật tự xã hội ở địa phương cơ sở, hạn
chế thấp nhất hậu quả do các sai phạm gây ra; Đồng thời xử lý trách nhiệm đối với
những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được
giao trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (nếu
cần thiết).
Mục 3: Khen thưởng và xử lý trách nhiệm.
Điều 10. Mức độ đánh giá trách nhiệm Người đứng đầu.
Căn cứ kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác; hoặc mức
độ vi phạm, tác hại, ảnh hưởng của các sai phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ
quản lý đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, để xem xét trách nhiệm của
Người đứng đầu và là tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng đối với
đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm theo các mức độ sau đây:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tình hình tín ngưỡng, tôn
giáo trên địa bàn ổn định; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ: Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên
địa bàn ổn định; các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra theo đúng quy định
của pháp luật, không có các sai phạm xảy ra.
3. Hoàn thành nhiệm vụ: Có xảy ra các sai phạm, nhưng phát
hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đảm bảo ổn định tình hình.
4. Không hoàn thành nhiệm vụ: Để xảy ra các sai phạm, không
có biện pháp xử lý kịp thời; xử lý thiếu kiên quyết để xảy ra tái diễn sai phạm,
gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự ở cơ sở.
Điều 11. Khen thưởng.
Người đứng đầu có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo,
hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm, tích cực quản lý đối với các hoạt
động về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo thực hiện tốt các Quy định tại văn bản này
thì được khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng.
Điều 12. Xử lý kỷ luật.
1. Người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ; để xảy ra các
sai phạm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện không đúng quy định của
Nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả gây ra, mà áp dụng
các hình thức kỷ luật theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính
phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
1.1. Áp dụng hình thức khiển trách:
- Người đứng đầu vi phạm một trong các quy định tại các khoản
của Điều 5, Điều 6, Điều 7 và không nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả
các quy định tại Điều 8, Điều 9 của văn bản này;
- Người đứng đầu phát hiện ra các sai phạm, nhưng việc xử
lý không đúng theo quy định của pháp luật.
1.2. Áp dụng hình thức cảnh cáo:
Người đứng đầu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để xảy
ra các sai phạm về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thuộc địa bàn quản lý, như
sau:
1.2.1. Trưởng thôn, khu phố để xảy ra trên địa bàn quản lý
01 trong các sai phạm sau:
- Có các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không đúng qui
định của Nhà nước;
- Có cơ sở thờ tự tôn giáo hoặc tín ngưỡng xây dựng, sửa
chữa thực hiện không đúng qui định của Nhà nước;
1.2.2. Chủ tịch UBND cấp xã để xảy ra trên địa bàn quản lý:
Có 02 Trưởng thôn (khu phố) bị cảnh cáo.
1.2.3. Chủ tịch UBND cấp huyện để xảy ra trên địa bàn quản
lý 01 trong các sai phạm sau:
- Có 03 Chủ tịch UBND cấp xã bị cảnh cáo;
- Để tái diễn các sai phạm của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ
tôn giáo về hoạt động tôn giáo thực hiện không đúng qui định của Nhà nước.
1.3. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên
quan: Tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm hoặc mức độ không hoàn thành chức
trách, nhiệm vụ được giao đều bị xem xét, xử lý tương ứng.
2. Trình tự, thủ tục xử lý: Thực hiện theo các quy định hiện
hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
- Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo việc triển khai tổ chức
thực hiện Quy định này đến các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, đơn vị
và cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Quy định này; Định kỳ 6 tháng, một
năm tổng hợp báo cáo tình hình kết quả thực hiện Quy định với Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để
hướng dẫn về trình tự, thủ tục khen thưởng, xử lý kỷ luật Người đứng đầu theo
quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của UBND cấp huyện.
Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy
định này đến các cấp, các ngành có liên quan, cán bộ công chức viên chức, các tầng
lớp nhân dân; Trách nhiệm cam kết theo Quy định, đồng thời chỉ đạo các Phòng,
Ban, cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, phát hiện,
ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết các sai phạm trong hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trên địa bàn quản lý.
Điều 15. Trách nhiệm của UBND cấp xã.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy định này đến mọi tầng lớp
nhân dân; Trách nhiệm cam kết theo Quy định, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chức
năng, các Thôn Làng, Khu phố chủ động trong công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời
và xử lý kiên quyết các sai phạm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện
không đúng quy định của Nhà nước trên địa bàn quản lý.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở, Ban, Ngành, cơ quan có liên quan.
Theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, có trách
nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quản lý đối với các hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo và phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND tỉnh, chỉ đạo tổ chức thực
hiện tốt Quy định này.
Đề nghị Ban Dân vận, UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành
viên của Mặt trận phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên,
quần chúng, tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện tốt các Chủ trương, chính sách
Pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.
Điều 17. Chế độ thông tin, báo cáo.
Người đứng đầu có trách nhiệm định kỳ 6 tháng, một năm
báo cáo tình hình thực hiện Quy định này lên cấp trên trực tiếp; Khi có sai phạm
xảy ra phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) về tình hình, mức độ
sai phạm, các biện pháp đã áp dụng và đề xuất hướng giải quyết.
Điều 18. Sửa đổi, bổ sung.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị địa phương kịp thời phản ảnh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ),
để tổng hợp đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.