Chỉ thị 8/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 8/CT-UBND
Ngày ban hành 05/04/2013
Ngày có hiệu lực 05/04/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Ngọc Long
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 05 tháng 4 năm 2013

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội; đồng bào có đạo tin tưởng vào chủ chương đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác tôn giáo đạt được những thành tựu nhất định, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác tôn giáo được nâng lên; ý thức chấp hành pháp luật của chức sắc và tín đồ, phật tử có chuyển biến tốt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tình hình tôn giáo còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, vẫn còn khiếu kiện về tôn giáo; hoạt động của số ít tổ chức, cơ sở tôn giáo chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, như việc cư trú, chuyển nhượng đất đai, tạo lập cơ sở tôn giáo; nhận thức về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số ngành, cấp, nhất là cơ sở còn xem nhẹ, buông lỏng, thậm chí sơ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc gây mất ổn định về ANTT.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại, tiến tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Chỉ thị: Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tăng cường hơn nữa công tác quán triệt các Nghị quyết chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo các Sở, ban, ngành của tỉnh, cán bộ chủ chốt của cấp huyện, cấp xã. Xác định công tác tôn giáo là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cả hệ thống chính trị và cốt lõi là công tác vận động quần chúng và tranh thủ chức sắc, tu sĩ, chức việc các tôn giáo. Các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan đến công tác tôn giáo phân công một lãnh đạo và cán bộ làm công tác tôn giáo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở, ban, ngành mình.

2. Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường và các sở ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xử lý, giải quyết những vụ việc phức tạp về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

- Tham mưu lập đoàn công tác liên ngành của tỉnh làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại các vấn đề liên quan đến tôn giáo.

- Định kỳ gặp gỡ, hướng dẫn Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh, các giáo xứ, chi hội tin lành (dự kiến sẽ có) hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; tham mưu nội dung để lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức tôn giáo trong các trường hợp cần thiết; chuẩn bị nội dung giúp UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị về công tác tôn giáo; tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý tổ chức cơ sở, nhân sự của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các ngành của tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho chức sắc, tín đồ và phật tử các tôn giáo; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, chú ý đến đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo hợp pháp, đảm bảo hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng tiến độ quy định; tăng cường công tác thanh tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất có liên quan đến tôn giáo.

4. Sở Xây dựng: Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng, kiến trúc các công trình tôn giáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện sau cấp phép; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong việc xây dựng các công trình tôn giáo để phối hợp với các ngành của tỉnh và các địa phương ngăn chăn xử lý.

5. Công an tỉnh: Nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh phòng, chống những phần tử xấu, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, xuyên tạc, kích động gây bất ổn chính trị - xã hội. Tham gia xây dựng lực lượng nòng cốt trong vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở vùng có đông đồng bào tôn giáo. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan trong quản lý các hoạt động tôn giáo, công tác giải quyết xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong tôn giáo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

6. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan thống nhất, tăng cường quản lý văn hóa, hoạt động văn hóa có liên quan đến tôn giáo; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý hành chính đối với các vi phạm về quản lý văn hoá, dịch vụ văn hóa có liên quan đến tôn giáo theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ủy ban Mặt tổ quốc các cấp có kế hoạch cụ thể để duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đặc biệt là khu dân cư ở vùng đồng bào có đạo. Tăng cường công tác quản lý tại các Khu di tích, Đền Tưởng Niệm Bác Hồ, không để xảy ra tình trạng một số cá nhân tập trung thực hiện những hành vi mê tín dị đoan.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chịu trách nhiệm hướng dẫn và quy định việc mở các loại trường mầm non do các tổ chức tôn giáo tham gia bảo trợ hoặc đứng tên phụ trách theo Luật Giáo dục. Quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đối với các cơ sở giáo dục có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo. (Hiện nay Thái Nguyên chưa có các loại trường mầm non như trên nhưng ở các tỉnh khác đã có)

8. Sở Thông tin và Truyền thông: Định hướng nội dung tuyên truyền, đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong đối nội và đối ngoại về những thành tựu trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta; tăng cường công tác quản lý nhà nước việc xuất bản in ấn, xuất khẩu, nhập khẩu các kinh sách, các văn hóa phẩm tôn giáo và hoạt tôn giáo liên quan đến thông tin, truyền thông, mạng internet. Kiên quyết xử lý những đối tượng có hành vi phát tán mua bán tài liệu, băng đĩa tuyên truyền mê tín dị đoan. Đặc biệt là các văn hóa phẩm xuất bản in ấn trái pháp luật của các tổ chức chưa được pháp luật công nhận là tổ chức tôn giáo như: tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, “Ngọc Phật Hồ Chí Minh”, “Tâm linh Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

9. Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Y tế: Hướng dẫn, kiểm tra và quản lý việc tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội, dạy nghề, mở cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

10. Sở Ngoại vụ: Nghiên cứu các chính sách đối ngoại về tôn giáo của Đảng và Nhà nước để tham gia với sở, ban, ngành xử lý các hoạt động đối ngoại của các tôn giáo; theo dõi và đề xuất chủ trương quản lý các hoạt động của các cá nhân, tổ chức từ nước ngoài vào hoạt động ở tỉnh, nhất là hoạt động tài trợ, bảo trợ, các hoạt động nhân đạo từ thiện.

11. Thanh tra tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ, các ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tham mưu xử lý các vụ khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, ngăn ngừa phát sinh không để xảy ra “điểm nóng”.

12. UBND các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn, nhất là đối với việc chuyển nhượng đất đai, tạo lập cơ sở tôn giáo trái pháp luật; định kỳ gặp gỡ đối thoại với những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo theo phân cấp quản lý; rà soát, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, bố trí cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo là những người có năng lực, bản lĩnh chính trị, chú ý những cán bộ đã qua đào tạo các lớp tôn giáo dài hạn và lớp cử nhân chính trị chuyên ngành tôn giáo; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

13. Mọi vấn đề tôn giáo phát sinh nhất là các vấn đề phức tạp, Giám đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải bằng mọi phương tiện kịp thời báo cáo, thông tin về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Trong quá trình giải quyết các vấn đề về tôn giáo cần đặc biệt coi trọng công tác vận động quần chúng kết hợp các biện pháp quản lý hành chính nhà nước một cách hài hòa. Thực hiện phương châm kiên quyết về nguyên tắc, mềm mỏng, khéo léo về phương pháp, tránh thô bạo, nôn nóng.

14. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo phải được tiến hành đồng bộ, vì vậy mọi việc phát sinh về tôn giáo, các Sở, ban, ngành phải kịp thời trao đổi, phối hợp với Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ trước khi xử lý, không để tình trạng đùn đẩy, thiếu thống nhất.

UBND tỉnh giao Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh trong theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 03 tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất những vấn đề phát sinh, vướng mắc để UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh uỷ;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- CVP, PVP (Đ/c Chung);
- Các Chuyên viên NCTH;
- Lưu: VT, NC.phong
Phongh/CT T4/80b

CHỦ TỊCH




Dương Ngọc Long

 

 

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ