Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004

Số hiệu 21/2004/PL-UBTVQH11
Ngày ban hành 18/06/2004
Ngày có hiệu lực 15/11/2004
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2004/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2004

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 21/2004/PL-UBTVQH11 NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO


Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết số 21/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004;
Pháp lệnh này quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau.

Điều 2

Chức sắc, nhà tu hành và công dân có tín ngưỡng, tôn giáo được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.

Chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.

Điều 3

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động tín ngưỡng hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

2. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, bao gồm đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở tương tự khác.

3. Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận.

4. Tổ chức tôn giáo cơ sở là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của đạo Cao đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hoà hảođơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác.

5. Hoạt động tôn giáo là việc truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của tôn giáo.

6. Hội đoàn tôn giáo là hình thức tập hợp tín đồ do tổ chức tôn giáo lập ra nhằm phục vụ hoạt động tôn giáo.

7. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.

8. Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.

9. Nhà tu hành là tín đồ tự nguyện thực hiện thường xuyên nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật của tôn giáo mà mình tin theo.

10. Chức sắc là tín đồ có chức vụ, phẩm sắc trong tôn giáo.

Điều 4

Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ.

Điều 5

[...]