Quyết định 2107/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Số hiệu 2107/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/05/2015
Ngày có hiệu lực 27/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Huỳnh Thanh Điền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2107/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 04/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Theo đề nghị phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của Sở Công Thương tại Công văn số 325/SCT-KHTC ngày 09/4/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với những nội dung cơ bản sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

1. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh thị trường; giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020:

1. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (theo giá cố định 2010) đạt 24.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,2-12,5%/năm: Kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tăng bình quân 17,02%/năm.

2. Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho khoảng lao động 40.000 lao động, góp phần giảm áp lực về mặt xã hội, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An.

3. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa toàn diện theo hướng bền vững, tạo thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới.

4. Gắn sản xuất chế biến với vùng nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị sản phẩm đầu vào cho người trồng nguyên liệu; tạo sự gắn kết bền vững lâu dài giữa người trồng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020:

1. Chế biến thức ăn chăn nuôi:

- Phát huy hết công suất 03 nhà máy hiện có trên cơ sở đảm bảo các quy định về bảo vệ môi Trường; Kêu gọi thu hút đầu tư thêm 01 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất trên 60.000 tấn/năm tại khu vực huyện Đô Lương.

- Khuyến khích phát triển 20 cơ sở chế biến quy mô nhỏ sản xuất thức ăn chăn nuôi (có công suất 500 - 1.000 tấn/cơ sở/năm) đảm bảo các yếu tố về môi trường, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nhu cầu tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng công suất từ 10.000-15.000 tấn/năm.

2. Chế biến thịt gia súc, gia cầm:

- Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, công suất chế biến cho Nhà máy Chế biến và Xuất khẩu Súc Sản Nghệ An.

- Thu hút đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm tại Khu công nghiệp Nam Cấm, có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

- Phát triển các cơ sở giết mổ thịt gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, để tạo nguồn lực thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 120 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, với công suất giết mổ dự kiến đạt khoảng 600 - 700 con trâu bò/ngày đêm, 4.000 - 4,500 con lợn/ngày đêm và khoảng trên 15.000 con gia cầm/ngày đêm, trong đó 30 % cơ sở giết mổ gia súc gia cầm áp dụng hệ thống GHP, GMP, HACCP trong hoạt động giết mổ.

- Phấn đấu đưa 100% số điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại vùng đồng bằng, 70 - 80 % tại vùng trung du và 50 % vùng miền núi cao vào các cơ sở tập trung. Quản lý và kiểm soát được trên 90% sản phẩm giết mổ tại vùng đồng bằng, 70 - 80 % tại vùng trung du và 50 % vùng miền núi cao.

3. Chế biến sữa:

- Phát huy hết công suất của Nhà máy sữa Vinamilk tại thị xã Cửa Lò và Nhà máy sữa TH tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn.

[...]