Quyết định 947/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030

Số hiệu 947/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/05/2024
Ngày có hiệu lực 13/05/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 947/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 13 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình số 28-CTr/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 28-CT/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 131/TTr-SNN ngày 16/4/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau (kèm theo Đề án số 147/ĐA-SNN ngày 16/4/2024):

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2030 phát triển bền vững, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, trình độ công nghệ đạt mức trung bình trở lên so với cả nước. Góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Diện tích nuôi tôm 280.000 ha; diện tích trồng lúa 95.000 ha; diện tích có rừng tập trung 96.000 ha; đàn heo 250.000 con, đàn gia cầm 4.500.000 con.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đạt mức trên trung bình của cả nước, một số ngành hàng như chế biến tôm, lúa gạo chất lượng cao, gỗ đạt mức tiên tiến, hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

- Xây dựng nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, nhà máy chế biến gỗ, chuối công suất lớn; hình thành các nhà máy chế biến nông sản khác, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Đến năm 2030

- Diện tích nuôi tôm 280.000 ha; diện tích trồng lúa 95.000 ha; diện tích có rừng tập trung đạt 96.000 ha; đàn heo 300.000 con, đàn gia cầm 5.500.000 con.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đạt mức khá của cả nước. Phát triển thêm nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, nhà máy chế biến gỗ, chuối công suất lớn, nhà máy chế biến nông sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thu hút các dự án đầu tư trồng và chế biến sâu đối với gỗ rừng trồng, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hình thành, củng cố chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến

- Phát triển vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm tập trung tại các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau; vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, chuối và trái cây tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời; phát triển chăn nuôi tại các huyện, thành phố Cà Mau và phát triển diện tích rừng trồng tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển.

[...]