Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 774/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 774/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/03/2015
Ngày có hiệu lực 30/03/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 774/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 22/01/2010 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Hiện trạng ngành công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng:

a) Chế biến chè: Lâm Đồng là tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước với tổng diện tích trồng chè năm 2014 là 23.500 ha (trong đó có 5.600 ha canh tác chè chất lượng cao) tập trung tại huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, sản lượng đạt trên 230.000 tấn chè búp tươi, năng suất bình quân đạt 9,5 tấn/ha.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp và hơn 130 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể chế biến chè với công suất 42.000 tấn chè thành phẩm/năm, tương ứng với khoảng 80% sản lượng chè búp tươi của tỉnh; các nhà máy và cơ sở chế biến tập trung tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Bảo Lâm, Di Linh, sản lượng còn lại chủ yếu được chế biến thủ công theo quy mô hộ gia đình.

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè đều có quy mô vừa và nhỏ có hệ thống máy móc thiết bị còn lạc hậu (cơ sở đầu tư máy móc hiện đại 4,7%; khá đạt 21%; trung bình đạt 15,7%; lạc hậu đạt 58,6%) nên chất lượng chè thành phẩm chưa cao. Trong thời gian gần đây đã thu hút được một số doanh nghiệp FDI của Đài Loan, Nhật Bản đầu tư chế biến chè Olong, chè xanh phục vụ xuất khẩu. Một số doanh nghiệp lớn đã hình thành liên kết với người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chè chất lượng cao, an toàn và giá trị lớn. Hiện có 08 doanh nghiệp được cấp chứng nhận quản lý chất lượng, 13 cơ sở và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè B’Lao và nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến khác đã đăng ký và cấp thương hiệu riêng.

b) Chế biến cà phê: Tổng diện tích trồng cà phê năm 2014 của tỉnh 152.000 ha với sản lượng đạt 389.000 tấn, tập trung tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc và một phần diện tích cà phê chè tại thành phố Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp chế biến cà phê nhân, năng lực chế biến toàn tỉnh khoảng 30-40% tổng sản lượng, chủ yếu là sơ chế phân loại và đánh bóng để phục vụ xuất khẩu, trong đó khoảng 12% chế biến công nghệ ướt (chủ yếu áp dụng cho cà phê chè) còn lại chế biến khô. Các nhà máy chế biến tập trung chủ yếu tại địa bàn trọng điểm như huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc; chưa có cơ sở nào chế biến cà phê tinh (cô đặc và cà phê hòa tan) ở quy mô công nghiệp.

c) Chế biến rau, hoa: Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau, hoa, quả lớn nhất của cả nước với 52.200 ha rau, 7.000 ha hoa tập trung tại thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương, sản lượng đạt khoảng 1,76 triệu tấn rau và 2.362 triệu cành hoa. Cơ cấu, chủng loại rau, hoa phong phú với hàng trăm giống rau, hoa ôn đới, cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, sản phẩm rau, hoa của Lâm Đồng được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn toàn quốc và một phần tham gia thị trường xuất khẩu.

Toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp chế biến rau công nghiệp và các cơ sở sơ chế, bảo quản lạnh, trong đó có 06 nhà máy sản xuất rau công nghiệp (04 công ty chế biến rau củ cấp đông xuất khẩu, 02 công ty chế biến rau xuất khẩu) tại thành phố Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương. Tổng công suất chế biến lên đến 315.000 tấn nguyên liệu, chiếm tỷ lệ 18% sản lượng rau toàn tỉnh. Sản phẩm chế biến chủ yếu phục vụ xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đài Loan. Sản phẩm rau của Lâm Đồng đã bước đầu khẳng định được thương hiệu của tỉnh, có vị trí số một tại thị trường trong nước và đạt được uy tín trên thị trường xuất khẩu. Đối với cây hoa hiện có 07 công ty xuất khẩu hoa cắt cành các loại, tập trung chủ yếu tại Đà Lạt, sản lượng hoa xuất khẩu đạt trên 200 triệu cành, đóng góp khoảng 9% vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Công nghệ chủ yếu là xử lý, bảo quản, đóng gói hoa để đưa đi tiêu thụ trong và ngoài nước.

d) Chế biến các sản phẩm ngành chăn nuôi: tổng gia súc, gia cầm của tỉnh năm 2014 đạt 90.000 con trâu, bò (bò sữa khoảng 10.300 con); trên 400.000 con heo, khoảng 4 triệu con gia cầm. Các sản phẩm chăn nuôi đưa ra ngoại tỉnh chế biến chiếm tới 80-85% tổng sản lượng chăn nuôi, còn lại 15-20% tổ chức giết mổ tại các điểm giết mổ phục vụ tiêu thụ nội tỉnh và chế biến thủ công. Sản lượng thịt hơi các loại 82.000 tấn.

Chế biến sữa bò: Sản lượng sữa bò của tỉnh đang đứng thứ 2 cả nước, hiện chỉ có 01 nhà máy chế biến sữa có công suất thiết kế 40 tấn/ngày, tuy nhiên công suất vận hành chỉ đạt 30% so với công suất thiết kế. Toàn bộ số lượng sữa tươi còn lại được các doanh nghiệp lớn thu mua, vận chuyển về các tỉnh thành khác để chế biến.

đ) Các ngành chế biến khác: ngoài các sản phẩm chủ lực nêu trên, trên địa bàn tỉnh sản xuất một số nông sản khác như điều, dâu tằm, cao su, ngũ cốc, lương thực... Năm 2014, diện tích gieo trồng lúa đạt 32.000 ha, sản lượng 160 ngàn tấn; diện tích điều đạt 15.300 ha, sản lượng 12.240 tấn; diện tích dâu tằm đạt 3.800 ha, sản lượng 46.000 tấn lá tươi; diện tích cao su 10.406 ha, trong đó có 2.000 ha cao su đang thu hoạch với sản lượng 3.400 tấn và trên 10.000 ha trồng cây ăn trái các loại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 doanh nghiệp và 01 HTX chế biến hạt điều với công suất khoảng 10.000 tấn điều thô, có 03 cơ sở chế biến rượu vang quy mô công nghiệp tại thành phố Đà Lạt, trong đó 01 nhà máy có công nghệ hiện đại của Châu Âu với sản lượng 05 triệu lít/năm; một số cơ sở nhỏ sản xuất rượu vang, rượu chát, nước ép trái cây.... các sản phẩm khác chủ yếu được tiêu thụ tươi hoặc đem ra các tỉnh thành khác chế biến.

2. Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2020:

a) Mục tiêu chung:

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản đạt công nghệ hiện đại vào năm 2020, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp và góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Lâm Đồng.

b) Mục tiêu cụ thể:

[...]