Quyết định 1930/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 1930/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/10/2022
Ngày có hiệu lực 27/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1930/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ THEO HƯỚNG HỮU CƠ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2019/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Sau khi xin ý kiến Thành viên UBND tỉnh tại công văn số 360/VP-NN2 ngày 28/9/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ của tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại báo cáo giải trình số 403/BC-SNN&PTNT ngày 20/10/2022 và Tờ trình số 216/TTr- SNN&PTNT ngày 20/10/2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này: Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ THEO HƯỚNG HỮU CƠ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp hữu cơ truyền thống đã có từ lâu, với việc sử dụng phân chuồng, phân bắc, phân xanh (bèo hoa dâu, cốt khí, muồng thanh,...) và phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do áp lực tăng nhanh của dân số, nhu cầu lương thực lớn,... nên sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng đầu tư thâm canh cao, chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học,... để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc lạm dụng quá mức phân bón, thuốc BVTV hóa học đã làm đất bị thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm, chất lượng sản phẩm hạn chế,... Vì vậy, sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ là cần thiết để hướng tới một nền sản xuất hiệu quả, chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị và cải thiện môi trường.

Theo thống kê của FiBL (Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, đến năm 2021 cả thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh, đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Thực tế đã chứng minh sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái ”. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2030 với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định: Với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trong cả nước đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đến nay cả nước đã có 46 tỉnh/63 tỉnh thành có hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hưu cơ đạt gần 240 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở số địa phương như: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Hà Nam, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bến Tre,...

Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020 -2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hàng năm tỉnh hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và thảo mộc để khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất rau theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 1.600 ha/năm, nhằm từng bước chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ tiêu dùng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua hơn 02 năm thực hiện kế hoạch đã đạt được kết quả tương đối khả quan, đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người sản xuất về phương thức canh tác an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Quy mô nhỏ lẻ, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, chưa xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh,...

Xuất phát từ những lý do trên, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh được phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững.

[...]