Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3809/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030"

Số hiệu 3809/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/11/2022
Ngày có hiệu lực 07/11/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3809/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030"

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 28/12/2020 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 13/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 16/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: số 2961/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 về ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa; số 3416/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 về phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 214/TTr-SNN&PTNT ngày 28/10/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030", gồm những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải bám sát định hướng về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của Tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

2. Phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương, xuất phát từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, hạ tầng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân.

3. Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn liền với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và chế biến; đồng gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.

4. Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, môi trường an toàn cho người nông dân và sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

5. Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải huy động sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, lợi thế của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 0,8 - 1,0% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả,...

- Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,0 - 1,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Các sản phẩm chăn nuôi chủ lực được ưu tiên: thịt gia súc, gia cầm, trứng, sữa, sản phẩm ong mật,…

- Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 - 1,2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, ngao, cá tầm, cá hồi, các loài thủy sản bản địa (cá trắm, cá chép, rươi,…).

- Đối với sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 85- 90%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 65 - 70%.

- Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1,0 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với phi hữu cơ.

[...]