Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025

Số hiệu 208/KH-UBND
Ngày ban hành 30/09/2022
Ngày có hiệu lực 30/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 30 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HỮU CƠ GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 10/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025;

Theo nội dung báo cáo, kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển tại Tờ trình số 2673/TTr-SNN ngày 20/5/2022 và Văn bản số 4240/SNN-KHTC ngày 12/8/2022; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Định hướng các nội dung, xác định giải pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện và hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện Chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy một cách đồng bộ, thống nhất và phân công cụ thể các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nhằm triển khai hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm góp phần thúc đẩy và phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thương hiệu và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch đẹp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng được từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn;

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành;

- Xây dựng được từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế; mỗi huyện, thành phố đều có các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác là những mô hình điển hình để người dân tham quan, học tập kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng trong sản xuất, dự kiến mỗi huyện, thành phố có từ 3-4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 3-4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng được từ 8-10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các loại cây trồng chủ lực để làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất để áp dụng trên địa bàn, trong đó các địa phương, gồm: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc xây dựng được tối thiểu 02 mô hình trên mỗi địa bàn; các địa phương còn lại khuyến khích xây dựng được ít nhất là 01 mô hình trên địa bàn;

- Tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tập huấn về các quy trình, kỹ thuật vận hành sản xuất công nghệ cao đạt 100%;

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%;

- Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt 80%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN (có Phụ lục Phân công nhiệm vụ kèm theo).

1. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

a) Nhiệm vụ

- Xác định, cập nhật các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (điện, thủy lợi, giao thông) nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Phát triển và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực.

[...]