Quyết định 1893/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1893/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/10/2014
Ngày có hiệu lực 20/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1893/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG APATIT ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit phải phù hợp với Chiến lược khoáng sản, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai; đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất phân bón chứa lân, một số loại hóa chất cơ bản góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đáp ứng một phần nguyên liệu cho ngành hóa chất cơ bản và các ngành công nghiệp khác.

2. Phát triển khai thác và chế biến quặng apatit với công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả kinh tế - xã hội.

3. Phát huy tối đa nội lực, chỉ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ tuyển quặng nghèo và chế biến sâu quặng apatit. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trong nước trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đã đầu tư.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Thăm dò, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp tuyển quặng loại II và quặng loại IV;

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng sản lượng sản phẩm apatit các loại (quặng nguyên khai và quặng tuyển) bình quân khoảng 9 - 10%/năm giai đoạn đến năm 2020 và duy trì sản lượng ổn định ở các năm tiếp theo, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Công tác thăm dò

- Giai đoạn đến năm 2020:

Đảm bảo đủ trữ lượng tin cậy cho khai thác giai đoạn đến năm 2020 và gối đầu cho giai đoạn sau 2020. Tập trung thăm dò một số khai trường khu vực Bắc Nhạc Sơn, Ngòi Đum - Làng Tác (quặng loại II và quặng loại IV đến mức - 500 m) với tổng trữ lượng các loại quặng cấp 122 dự kiến khoảng 149.000 nghìn tấn;

- Giai đoạn 2021 - 2030:

Đầu tư thăm dò một số khai trường còn lại khu Bắc Nhạc Sơn và Ngòi Đum - Làng Tác, đảm bảo nguồn trữ lượng tin cậy cho khai thác giai đoạn đến năm 2030 và Nhà máy tuyển quặng loại II. Thăm dò khu vực Lũng Pô - Bát Xát sau khi có kết quả điều tra cơ bản địa chất để bổ sung nguồn trữ lượng cho giai đoạn sau năm 2030.

Tổng trữ lượng các loại quặng apatit cấp 122 dự kiến khoảng 175.000 nghìn tấn.

b) Công tác khai thác

- Giai đoạn đến năm 2020:

Đảm bảo đủ nguyên liệu quặng apatit chế biến và sử dụng cho giai đoạn đến năm 2020.

Sản lượng quặng nguyên khai: Năm 2015 khoảng 8.000 nghìn tấn; năm 2020 khoảng 11.000 nghìn tấn (không tính quặng loại IV).

[...]