THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2427/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC KHOÁNG SẢN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12
ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW
ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản
và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội
dung chính như sau:
1. Quan điểm chỉ
đạo
a) Khoáng sản là tài nguyên không
tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai
thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài
và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường;
b) Điều tra, đánh giá khoáng sản phải
đi trước một bước, làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản để lập quy hoạch thăm
dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và dự trữ quốc gia.
c) Thăm dò, khai thác khoáng sản phải
gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu
cầu của các ngành kinh tế;
d) Chế biến khoáng sản phải sử dụng
công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh
tế cao; chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước, chi xuất khẩu sản phẩm
sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn;
đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp
thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò,
khai thác và chế biến khoáng sản.
2. Chiến lược
Ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản
về địa chất về khoáng sản cả phần đất liền và biển, hải đảo để làm rõ tiềm năng
tài nguyên khoáng sản. Thăm dò, khai khác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng
hiệu quả. Cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản; phát triển bền vững
công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an
ninh.
3. Mục tiêu
a) Hoàn thành công tác lập bản đồ địa
chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ; hoàn thành
công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000; đánh giá làm rõ tiềm
năng tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác và dự trữ quốc gia;
b) Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai
thác, chế biến đến năm 2050 đối với các khoáng sản: Than, urani, titan -
zircon, đất hiếm, apatit, sắt, chì - kẽm, đồng, thiếc, mangan, cromit, bauxit,
cát thủy tinh và một số khoáng sản khác;
c) Khai thác khoáng sản phải gắn với
chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở
chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô
nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung
với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại
khoáng sản;
d) Chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế
biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn. Các khoáng sản còn lại khai
thác chế biến theo nhu cầu trong nước tăng cường dự trữ khoáng sản quốc gia làm
cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội;
đ) Khuyến khích hợp tác điều tra,
thăm dò, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản ở nước ngoài, ưu tiên các
khoáng sản ở Việt Nam có nhu cầu sử dụng.
4. Định hướng phát
triển
a) Công tác điều tra cơ bản địa chất
về khoáng sản
- Ưu tiên hoàn thành công tác đo vẽ
bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ,
các hải đảo; điều tra địa chất khoáng sản biển tỉ lệ 1/500.000, chú trọng công
tác điều tra, phát hiện khoáng sản ở các khu vực có cấu trúc địa chất thuận lợi
cho tạo quặng;
- Đánh giá tổng thể tiềm năng một số
loại khoáng sản quan trọng: Than nâu ở đồng bằng Sông Hồng; bauxit, sắt laterit
ở Tây Nguyên; đất hiếm - urani, chì kẽm ở Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Bộ; liti,
vàng ở Trung Trung Bộ; đá hoa trắng ở Bắc Bộ; đá ốp lát ở Trung Bộ; urani và một
số loại khoáng sản khác trong các cấu trúc có tiền đề và dấu hiệu thuận lợi đến
độ sâu 500 m, một số khu vực đến độ sâu 1.000 m.
b) Thăm dò, khai thác, chế biến
khoáng sản
- Khoáng sản than: Đẩy mạnh thăm dò
phần sâu dưới -300m đối với các mỏ ở bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng
Nam; lựa chọn một số khu vực có triển vọng nhất ở vùng đồng bằng Sông Hồng,
thăm dò đến mức sâu -1000m. Đầu tư mới và cải tạo, mở rộng khai thác phần sâu một
số mỏ ở bể than Quảng Ninh; cải tạo nâng cấp các khu công nghiệp tuyển than tập
trung tại Quảng Ninh, Thái Nguyên đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn môi trường; lựa
chọn phương pháp khai thác thử nghiệm tại một số khu vực thuộc bể than đồng bằng
Sông Hồng bảo đảm an toàn môi trường, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế -
xã hội trên mặt đất, làm cơ sở đề xuất giải pháp khai thác tổng thể bể than
giai đoạn sau năm 2020;
- Khoáng sản phóng xạ (urani): Hoàn
thành thăm dò quặng urani ở các mỏ Pà Lừa - Pà Rồng, Khe Hoa - Khe Cao tại Quảng
Nam và một số khu vực có triển vọng khác; nghiên cứu công nghệ, hoàn thiện quy
trình chế biến urani kỹ thuật và các giải pháp an toàn trong khai thác, chế biến
quặng urani, phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các Nhà máy điện nguyên tử.
- Khoáng sản kim loại
+ Quặng titan - zircon: Thăm dò,
khai thác quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho dự án chế biến sâu tập trung tại
khu vực Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế
biến sâu quặng titan (rutil nhân tạo, pigment, titan xốp, titan kim loại) theo
hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường. Hình thành
ngành công nghiệp khai khoáng titan - zircon tương xứng với tiềm năng tài
nguyên đã phát hiện. Quy hoạch vùng dự trữ khoáng sản quốc gia theo giai đoạn tại
Bình Thuận để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt đất.
+ Quặng bauxit: Hoàn thành công tác
thăm dò các mỏ bauxit vùng Tây Nguyên, Bình Phước đã được điều tra, đánh giá.
Triển khai hoạt động khai thác mỏ Tân Rai, mỏ Nhân Cơ phục vụ nguyên liệu cho
02 dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng, Đắk Nông. Việc triển khai các dự án khai
thác, sản xuất alumin khác tại Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước chỉ thực hiện sau
khi 02 dự án trên đi vào hoạt động và được đánh giá hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu
khả thi dự án sản xuất nhôm tại Việt Nam để triển khai sau năm 2015.
+ Quặng sắt: Triển khai thăm dò đối
với các mỏ có tiềm năng tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc
Kạn, Quảng Ngãi. Hoạt động khai thác phải gắn với địa chỉ sử dụng, phục vụ dự
án sản xuất gang, thép trong nước, không xuất khẩu quặng sắt.
+ Quặng đất hiếm: Hoàn thành công
tác thăm dò đối với các mỏ đất hiếm ở Lai Châu, Lào Cai. Triển khai dự án khai
thác, chế biến quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái).
+ Quặng đồng: Hoàn thành công tác
thăm dò các mỏ đồng tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La. Đầu tư mở rộng
cơ sở chế biến đồng kim loại tại Lào Cai. Các dự án khai thác phải gắn với địa
chỉ sử dụng cho các dự án chế biến trong nước; không xuất khẩu quặng đồng.
+ Quặng chì - kẽm: Thăm dò phần sâu
và khu vực mở rộng các mỏ Chợ Điền, Chợ Đồn nhằm bổ sung trữ lượng quặng cho
các dự án đang khai thác; hoàn thành thăm dò các mỏ có tiềm năng ở Điện Biên,
Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng. Việc khai thác quặng chỉ phục vụ cho
dự án chế biến sâu thành kim loại chì, kẽm; không xuất khẩu quặng chì - kẽm.
Các khu vực quặng mới phát triển tại Bắc Kạn, Cao Bằng đưa vào khu vực dự trữ
khoáng sản quốc gia.
+ Quặng mangan: Hoàn thành công tác
thăm dò tại khu vực có tiềm năng tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng để
khai thác làm nguyên liệu cho dự án chế biến feromangan, mangan điện giải EMD
phục vụ nhu cầu trong nước; không xuất khẩu quặng mangan và sản phẩm sau chế biến.
+ Quặng cromit: Căn cứ nhu cầu sử dụng
sản phẩm chế biến từ quặng cromit trong các ngành công nghiệp đến năm 2030 để cấp
khai thác, chế biến phù hợp với nhu cầu sử dụng; cân đối giữa khai thác với dự
trữ quốc gia hình thành khu công nghiệp khai thác, chế biến cromit tại Cổ Định,
tỉnh Thanh Hóa. Không xuất khẩu quặng cromit và sản phẩm sau chế biến.
+ Khoáng sản vàng: Chỉ thăm dò,
khai thác đối với mỏ vàng gốc. công tác chế biến quặng vàng phải sử dụng công
nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước; không thăm dò,
khai thác vàng sa khoáng.
+ Đối với các loại khoáng sản kim
loại khác: Thực hiện thăm dò, khai thác phải gắn với dự án chế biến sâu chủ yếu
phục vụ nhu cầu trong nước, không xuất khẩu quặng và sản phẩm sau chế biến.
- Khoáng sản không kim loại
+ Khoáng sản làm nguyên liệu xi
măng: Thăm dò, khai thác các mỏ phục vụ các dự án xi măng trong quy hoạch phát
triển công nghiệp xi măng đã phê duyệt. Không khai thác đá vôi tại khu vực sườn
núi dọc theo hai bên đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.
+ Khoáng sản đá vôi trắng: Khai
thác quy mô lớn và chế biến tập trung đá vôi trắng tại Nghệ An, Yên Bái; hạn chế
khai thác quy mô nhỏ; không xuất khẩu đá khối.
+ Khoáng sản làm nguyên liệu gốm sứ
- thủy tinh: Thăm dò, khai thác các khu vực kaolinh, felspat tại Tuyên Quang,
Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bình Phước,
Kon Tum phục vụ nguyên liệu dự án sản xuất gạch men, gốm sứ. Thăm dò, khai thác
các mỏ cát trắng tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Khánh
Hòa phục vụ nguyên liệu cho dự án chế biến thủy tinh, khuôn đúc, men frit, gạch
không nung.
+ Khoáng sản làm nguyên liệu ốp
lát: Thăm dò, khai thác đá granit, gabro ốp lát tại các tỉnh Yên Bái, Thanh
Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon
Tum, Tây Ninh và các mỏ đá trầm tích ốp lát tại Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái,
Thanh Hóa, Nghệ An phục vụ nhu cầu xây dựng. Không xuất khẩu đá khối.
+ Quặng apatit: Hoàn thành thăm dò
mở rộng, thăm dò bổ sung đối với các diện tích đã điều tra. Nghiên cứu công nghệ
sử dụng quặng loại 2, để đầu tư các dự án chế biến. Việc cấp phép khai thác mỏ
phải gắn với các dự án chế biến, sản xuất phân lân, DAP, sản xuất photpho, phân
lân nung chảy; không xuất khẩu quặng apatit. Cân đối nhu cầu sử dụng trong nước
để điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
- Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng
thông thường
Khai thác chế biến khoáng sản vật
liệu xây dựng thông thường phải gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan và
môi trường. Không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo
các tuyến đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.
- Các khoáng sản nước nóng, nước
khoáng
Đẩy mạnh thăm dò xác định trữ lượng,
chất lượng các nguồn nước khoáng, nước nóng để khai thác sử dụng có hiệu quả, hợp
lý theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
- Đối với dầu khí: Thực hiện theo
Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt với mục
tiêu “Phát triển ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng
bộ, bao gồm: Tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân
phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu”.
c) Hợp tác quốc tế: Ưu tiên hợp tác
quốc tế, đầu tư ra nước ngoài trong điều tra, thăm dò, khai thác than, quặng sắt,
thạch cao, muối mỏ và các loại khoáng sản khác ở nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với
các nước phát triển để tiếp thu công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản địa
chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản và trong khai thác, chế biến quặng đất
hiếm, titan - zircon, liti…
5. Các chính sách
a) Chính sách bảo vệ, sử dụng và dự
trữ tài nguyên khoáng sản
- Sử dụng tài nguyên khoáng sản đảm
bảo tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;
- Cân đối để bảo đảm dự trữ tài
nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển các ngành kinh tế trước mắt và lâu
dài;
- Ưu tiên khai thác, chế biến, sử dụng
khoáng sản phục vụ sản xuất trong nước; việc xuất, nhập khẩu khoáng sản theo
nguyên tắc cân đối, đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước; chỉ xuất khẩu sản phẩm
sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản có quy mô lớn.
b) Chính sách khoa học và công nghệ
- Khuyến khích hợp tác chuyển giao
công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong khai thác, chế biến khoáng
sản;
- Tăng cường năng lực, đổi mới thiết
bị, công nghệ; có chính sách phát triển nguồn nhân lực trìnn độ cao trong quản
lý, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
c) Chính sách đầu tư
- Ưu tiên đầu tư nhằm đẩy nhanh
công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;
- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho
công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản;
- Khuyến khích đầu tư công nghệ
khai thác, chế biến sâu và thân thiện với môi trường.
6. Các giải pháp
a) Quản lý và quy hoạch
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật về khoáng sản; nâng cao năng lực quản lý từ Trung ương đến địa
phương;
- Phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương
và địa phương để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử
lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, tạo cơ chế và tái cấu
trúc công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản;
- Xây dựng quy hoạch khoáng sản
theo quy định của Luật Khoáng sản và phù hợp với định hướng của Chiến lược;
khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
b) Khoa học và công nghệ
- Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học
và công nghệ trình độ cao bằng nhiều hình thức;
- Từng bước ứng dụng kỹ thuật tiên
tiến, thiết bị hiện đại trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;
- Nâng cao năng lực công nghệ khai
thác hầm lò ở độ sâu lớn;
- Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của
thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản nhằm bảo vệ môi trường và
không gây lãng phí tài nguyên.
c) Tài chính
- Hàng năm ưu tiên bố trí đủ kinh
phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng
sản theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt;
- Tăng cường đầu tư cho các hoạt động
nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực điều tra địa chất
về khoáng sản, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;
- Điều chỉnh các chính sách tài
chính có liên quan đến hoạt động xuất khẩu khoáng sản theo hướng chỉ xuất khẩu
sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản có quy mô lớn;
- Xây dựng cơ chế ưu đãi nghề phù hợp
với đặc thù nghề nghiệp, đảm bảo ổn định phát triển nguồn nhân lực cho điều
tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.
d) Bảo vệ môi trường
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ
phối hợp tổ chức và thực hiện theo nội dung Chiến lược khoáng sản và xây dựng
các chương trình, nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng
chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|