Quyết định 2185/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2185/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/12/2014
Ngày có hiệu lực 05/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2185/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG QUẶNG SẮT ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch quặng sắt phải phù hợp với Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có quặng sắt. Tập trung khai thác có trọng điểm tại các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Hà Tĩnh, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững gắn với công tác quốc phòng, an ninh, đặc biệt đối với các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia - địa phương-doanh nghiệp-người dân địa phương vùng khai thác quặng sắt.

- Các dự án khai thác, chế biến quặng sắt phải gắn với các cơ sở luyện kim; sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường;

- Ưu tiên các giải pháp huy động nội lực trong nước trong các khâu khai thác và chế biến sâu quặng sắt.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng sắt phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của ngành luyện kim Việt Nam.

b) Mục tiêu cụ thể

- Thăm dò:

+ Giai đoạn đến năm 2020: Phấn đấu hoàn thành khoảng 25 đề án thăm dò quặng sắt, đạt mục tiêu khoảng 294 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122.

+ Giai đoạn 2021-2030: Trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản sắt, phấn đấu hoàn thành 10-15 đề án thăm dò các mỏ và biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận và quặng sắt laterit vùng Tây Nguyên, đạt mục tiêu khoảng 230 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122.

- Khai thác, chế biến:

+ Giai đoạn đến năm 2020: Đưa vào khai thác và chế biến đạt công suất thiết kế 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn là Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai); các mỏ quặng sắt quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.

+ Giai đoạn 2021-2030: Phát triển khai thác và chế biến quặng sắt trên địa bàn một số địa phương khác.

Sản lượng khai thác và chế biến quặng sắt cụ thể như sau:

+ Giai đoạn đến năm 2015: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 7,2 triệu tấn (tương ứng với 13,0 triệu tấn công suất) vào năm 2015.

+ Giai đoạn 2016-2020: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 17,5 triệu tấn (tương ứng với 26,4 triệu tấn công suất) vào năm 2020.

+ Giai đoạn 2021-2030: Tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 25-25,5 triệu tấn (tương ứng với 36-37 triệu tấn công suất) vào năm 2025 và năm 2030.

3. Định hướng phát triển

a) Khai thác, chế biến quặng sắt tiết kiệm và hiệu quả với công nghệ tiên tiến, bảo đảm yêu cầu về môi trường; công suất khai thác hàng năm phải phù hợp nhu cầu nguyên liệu của ngành luyện kim trong nước. Đối với mỏ quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng lớn, điều kiện địa chất mỏ phức tạp, có thể cho phép đối tác nước ngoài có năng lực và khả năng tài chính tham gia cổ đông, hợp tác khai thác và chế biến.

[...]