Quyết định 1858/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025

Số hiệu 1858/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/09/2012
Ngày có hiệu lực 27/09/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Văn Hiến
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1858/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 27 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Căn cứ Quyết định số 4021/UBND-KTN ngày 06 tháng 10 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc duyệt chủ trương lập Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định số 15/BB-HĐ ngày 25 tháng 5 năm 2012 về việc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Công văn số 3276/UBND-TH ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc trích biên bản họp thành viên Uỷ ban nhân dân tỉnh tháng 7 năm 2012;

Căn cứ Công văn số 1221-CV/TU ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Tỉnh uỷ về việc trích biên bản họp Ban Thường vụ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 633/TTr-SCT ngày 19 tháng 9 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phát triển thương mại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 (kèm theo) với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Tăng GDP của ngành thương mại đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; thương mại thực sự là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, dẫn dắt sản xuất theo nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, góp phần định hướng tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; góp phần tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của lao động trong ngành nói riêng và dân cư trong tỉnh nói chung.

Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP ngành thương mại giai đoạn 2011-2015 là 14,8%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 16,4%/năm; mức đóng góp của ngành thương mại vào GDP toàn tỉnh 11,8% năm 2015 và 12,8% năm 2020; ngành thương mại góp phần đưa GDP khu vực III bằng hoặc vượt chỉ tiêu tỉnh đề ra, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng trên 16,2% toàn giai đoạn 2011-2020, chiếm tỷ trọng 42,3% trong GDP toàn tỉnh năm 2015 và trên 48,2% năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 20%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 22%/năm và toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 21%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 20%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 22%/năm và toàn giai đoạn 2011-2020 là 21%/năm; tỷ trọng vốn đầu tư cho hạ tầng thương mại hiện đại đạt trên 60% tổng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng thương mại chủ yếu được quy hoạch trong giai đoạn 2011-2015 và 80% giai đoạn 2016-2020.

2. Định hướng phát triển thương mại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025:

a) Định hướng phát triển các mặt hàng chủ lực, xây dựng phát triển thương hiệu mạnh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường: Tập trung theo hướng nâng dần quy mô sản xuất và tiêu thụ, quan tâm đến quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu; đa dạng h và nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm quốc tế; xây dựng thương hiệu, đầu tư sản xuất mặt hàng mới theo nhu cầu của thị trường.

b) Định hướng phát triển thị trường và cơ cấu các loại hình thương mại: Phát triển hệ thống thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng tư liệu sản xuất, hàng nông thủy sản, cân đối hợp lý giữa các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện ích, các chợ truyền thống; kết hợp hài hoà mạng lưới bán buôn, bán lẻ, các tổng đại lý, đại lý và nhượng quyền thương mại.

c) Định hướng phát triển xuất nhập khẩu: Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô; phát huy thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ hải sản… những mặt hàng Bến Tre có thế mạnh về vùng nguyên liệu, các sản phẩm chủ lực đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước; nâng dần tỷ trọng của nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu hàng xuất khẩu.

d) Định hướng phát triển các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn: Phát triển các doanh nghiệp thương mại có vốn Nhà nước có đủ năng lực và uy tín giữ vai trò hướng dẫn thị trường và là công cụ của Nhà nước can thiệp khi thị trường có biến động; khuyến khích việc thu hút các tập đoàn phân phối đa quốc gia đầu tư các cơ sở kinh doanh hiện đại trên địa bàn tỉnh. Các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được hình thành và phát triển theo mối liên kết kinh tế xuyên suốt quá trình sản xuất - phân phối - tiêu dùng và giữa các khâu trong quá trình phân phối.

đ) Định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại và truyền thống: Xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại như: Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng tiện ích... với phương thức kinh doanh hiện đại, quản lý chuyên nghiệp kết hợp với sự duy trì, phát triển các chợ truyền thống phục vụ dân cư nông thôn.

e) Định hướng phát triển thương mại điện tử: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện khung pháp lý…; khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng mua bán trực tuyến; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử; xây dựng các cơ sở dữ liệu sử dụng chung cho các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, thống kê…

g) Định hướng phát triển các dịch vụ phụ trợ cho phân phối hàng hoá: Phát triển đa dạng và chuyên nghiệp hóa các dịch vụ phụ trợ cho quá trình phân phối hàng hoá như: Vận chuyển, phân loại, đóng gói, bảo quản, lưu kho, lưu bãi, dịch vụ giao hàng…; khuyến khich các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh các dịch vụ phụ trợ trong lưu thông phân phối.

h) Định hướng phát triển xúc tiến thương mại: Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với phát triển thị trường; trước hết tập trung vào khách hàng, thị trường truyền thống, mặt hàng chủ lực có sức cạnh tranh cao của tỉnh; tích cực tìm kiếm thị trường mới; từng bước đa dạng hoá thị trường tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro khi thị trường có biến động. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp thông tin, dự báo thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, tổ chức quảng bá và lập chương trình bảo vệ thương hiệu. Hình thành và khuyến khích phát triển các hiệp hội, làng nghề và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

3. Quy hoạch phát triển các loại hình thương mại chủ yếu:

a) Quy hoạch phát triển 01 trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Bến Tre, 05 trung tâm thương mại tại thành phố Bến Tre và các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam.

b) Quy hoạch phát triển 05 trung tâm mua sắm tại thị trấn các huyện: Giồng Trôm, Châu Thành, Chợ Lách, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc.

[...]