Nghị quyết 02/2012/NQ-HĐND Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 02/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 05/04/2012
Ngày có hiệu lực 15/04/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2012/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4

(Từ ngày 03/4/2012 đến ngày 05/4/2012)

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét Tờ trình số 17/TTr-UBND ngày 16/3/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố; ý kiến giải trình của UBND Thành phố; ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển thương mại gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất của Thủ đô, cả nước trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại nội địa và quốc tế, giữa thị trường thành thị và nông thôn, giữa thương mại truyền thống và hiện đại; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng cao.

- Phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế, kết hợp giữa phát triển các doanh nghiệp phân phối trong nước có quy mô lớn với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh tham gia thị trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý và kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hài hòa, đồng bộ, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật.

- Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành thương mại; đẩy mạnh liên kết thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh trong vùng và cả nước để tạo điều kiện ổn định thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn, trung tâm về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á; Thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại, thanh lịch, phát triển bền vững. Tạo ra sự đột phá trong phát triển thương mại Hà Nội trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu xuất nhập khẩu:

+ Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt bình quân 14 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015, đạt 13 - 14%/năm giai đoạn 2016 - 2020; Đến năm 2020, sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.

+ Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt bình quân 11- 13%/năm giai đoạn 2011 - 2015, đạt 10 - 12%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Mục tiêu phát triển thương mại nội địa:

+ Tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại giai đoạn 2011- 2015 bình quân là 12,3%/ năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 13%/năm.

+ Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành thương mại trong GRDP hàng năm của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 là 18 -19%, giai đoạn 2016 - 2020 là 17 - 19%.

+ Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội giai đoạn 2011- 2015 bình quân là 18 - 20%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 17 - 18%/năm.

+ Tỷ trọng thương mại bán lẻ hiện đại đạt 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.

3. Định hướng phát triển ngành thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:

3.1. Định hướng xuất khẩu:

[...]