Quyết định 160/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030" trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 160/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/04/2023
Ngày có hiệu lực 15/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 404/TTr-SGDĐT ngày 24 tháng 02 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND (b/c);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PCVP. UBND tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX.h

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Lịch

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 160/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

I. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON ĐẾN NĂM HỌC 2022-2023

1. Quy mô trường, lớp, trẻ em mầm non

Toàn tỉnh có 265 trường mầm non, mẫu giáo (gọi tắt là mầm non), trong đó có 223 trường mầm non công lập, 07 trường mầm non dân lập và 35 trường mầm non tư thục, 221 nhóm độc lập tư thục, với 943 điểm trường lẻ. Tổng số 2.998 nhóm, lớp, trong đó 338 nhóm trẻ, 2.660 lớp mẫu giáo. Huy động 87.467 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó 4.976 trẻ nhà trẻ, 82.491 trẻ mẫu giáo, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 8,78%, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 92,04%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp duy trì tỉ lệ 99,7%.

Trong đó trường, lớp, trẻ mầm non tại các vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có 102 trường mầm non (tỉ lệ 38,49% so với toàn tỉnh) với 540 điểm trường (tỉ lệ 57,26% so với toàn tỉnh), có 1.172 nhóm, lớp (tỉ lệ 39,09% so với toàn tỉnh) và 35.829 trẻ mầm non ra lớp tại các vùng khó khăn (tỉ lệ 40,96% so với toàn tỉnh) tỉ lệ trẻ nhà trẻ vùng khó khăn ra lớp 4,9%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo vùng khó khăn ra lớp 88,7%.

Mạng lưới trường, lớp mầm non được phát triển và phân bố đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, cơ bản phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

2. Về cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV)

Tổng số CBQL, GV, NV toàn tỉnh hiện có: 5.684 người, trong đó: CBQL: 575 người, trong biên chế: 507 người, ngoài biên chế 68 người. GV: 4.244 người, tỷ lệ GV/lớp 1,41, GV trong biên chế nhà nước 2.463 người, hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP là 305 người, hợp đồng khác 2.971 người. NV: 865 người, bảo vệ 250 người, cấp dưỡng 468, văn thư, kế toán, y tế 147 người.

CBQL, GV, NV đang công tác tại các vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1.672 người, gồm 213 CBQL, 1.302 GV, 157 NV , so với toàn tỉnh tỉ lệ CBQL 37,04%; tỉ lệ GV 30,68%, tỉ lệ NV 18,15%; định mức GV/lớp là 1,1. Trong đó GV người dân tộc Jrai 426 người (tỉ lệ 32,7%), GV người dân tộc Banah 41 người (tỉ lệ 3,14%), GV người dân tộc khác 40 người (tỉ lệ 3,07%); có 654 GV biết giao tiếp bằng tiếng Jrai, Banah (tỉ lệ 50,23%)[1].

Theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập là (đối với nhóm trẻ: bố trí tối đa 2,5 GV/nhóm trẻ; đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: bố trí tối đa 2,2 GV/lớp) nhưng hiện nay định mức GV/lớp là 1,1 tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh vì vậy đội ngũ GV còn thiếu theo quy định so với định mức.

3. Về cơ sở vật chất

Toàn tỉnh hiện có 2.947 phòng học (trong đó: 1.203 phòng học kiên cố (tỉ lệ 40,82%), 1.744 phòng học bán kiên cố (tỉ lệ 59,17%), 51 phòng học nhờ/tạm (tỉ lệ 1,73%), bố trí 1 phòng/1 nhóm, lớp; có 1.154 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu và 984 bộ đồ chơi ngoài trời.

Các trường mầm non thuộc vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có 1.142 phòng học (trong đó 26 phòng học nhờ, tạm); có 516 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu/1.172 nhóm, lớp; 284 bộ đồ chơi ngoài trời/540 điểm trường; thiếu so với nhu cầu đến năm 2030 là 1.427 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu; 604 bộ đồ chơi ngoài trời; 126 phòng học[2].

[...]