Kế hoạch 90/KH-UBND về phát triển giáo dục mầm non năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 20/04/2023
Ngày có hiệu lực 20/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 20 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Căn cứ Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang (Khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 phê duyệt Đề án huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; số 474/QĐ-UBND ngày ngày 12/8/2021 ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; số 506/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 về việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại trà tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; số 595/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang; số 855/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang; số 686/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 11/5/2020 về việc phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; số 119/KH-UBND ngày 30/7/2021 về việc sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; số 128/KH-UBND ngày 10/8/2021 về việc xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; số 169/KH-UBND ngày 04/10/2021 về việc đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Duy trì, củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; từng bước nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em mầm non; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Mục tiêu cụ thể năm 2023

- Về quy mô, mạng lưới trường, lớp: Duy trì mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non hiện có để đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường; phát triển mạnh các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; huy động từ 46,2% trở lên trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, trên 99,9% trẻ mẫu giáo; 100% trẻ em 5 tuổi thuộc đối tượng phải huy động đến trường; tỷ lệ huy động trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 4,2% trở lên (Chi tiết theo biểu 01a, 01b kèm theo).

- Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ: Duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học 02 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi dưới 5%; tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì được khống chế dưới 1%.

- Về đội ngũ: Phấn đấu ít nhất 97,1% giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; 92% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng từ khá trở lên; tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp đạt 2,0 trở lên; 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non cốt cán được đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (Chi tiết theo biểu 02 kèm theo).

- Về cơ sở vật chất trường, lớp: Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 55%; từng bước thay thế các phòng học tạm, phòng học nhờ; tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 56% (Chi tiết theo biểu 03a, 03b kèm theo).

- Về kiểm định chất lượng giáo dục: 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 65,8% số trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

- Về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN

- Tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, bảo đảm các huyện, thành phố có quy hoạch chi tiết và dành quỹ đất dành cho các cơ sở GDMN, đặc biệt là các cơ sở GDMN ngoài công lập; phát triển mạnh GDMN ngoài công lập gắn với thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh), theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường.

- Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các điểm trường lẻ, nhóm, lớp đảm bảo phù hợp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phấn đầu sắp xếp giảm ít nhất 26 điểm trường lẻ.

- Xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; phấn đấu công nhận mới ít nhất 16 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 85/152 trường đạt 56% (Chi tiết theo biểu 06 kèm theo).

- Bảo đảm yêu cầu kiên cố hóa trường lớp và phấn đấu đủ 01 phòng/lớp (nhóm); từng bước xóa các phòng học đã xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ. Đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Đầu tư xây dựng, bổ sung hạng mục nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bếp ăn tại các điểm trường lẻ.

- Bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm, lớp mầm non, trước mắt ưu tiên trang cấp cho các nhóm trẻ để thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Chi tiết theo biểu 06 kèm theo).

- Tiếp tục phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất cho GDMN.

2. Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi

- Duy trì vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[...]