Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình "Hỗ trợ phát triển Giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030" theo Quyết định 1609/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 24/05/2023
Ngày có hiệu lực 24/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/KH-UBND

Sơn La, ngày 24 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1609/QĐ-TTG NGÀY 26/12/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 121/TTr-SGDĐT ngày 12/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh Sơn La (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với trẻ em

- Đến năm 2025: Có trên 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và trên 99% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non; 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; phấn đấu 50% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

- Đến năm 2030: Có trên 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 100% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non; 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; phấn đấu 80% các huyện, tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

- Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.

b) Đối với giáo viên

- Đến năm 2025: Bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; có 90% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; bồi dưỡng, tập huấn phương pháp tăng cường Tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

- Đến năm 2030: Bồi dưỡng 70% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đảm bảo định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định; có 100% giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; bồi dưỡng, tập huấn phương pháp tăng cường Tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

c) Đối với cơ sở giáo dục mầm non

Đến năm 2030: Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn có trẻ em cần tăng cường tiếng Việt có bếp ăn và tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ để đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp và đáp ứng được yêu cầu trẻ được học 2 buổi/ngày, được bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp; trang thiết bị phần mềm, thiết bị dạy học hiện đại; tài liệu, học liệu, đồ dùng phục vụ dạy học; xây mới để xóa phòng học nhờ, học tạm và bổ sung phòng học còn thiếu do tăng quy mô phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương.

(Phụ biểu số 1 kèm theo).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, đổi mới quản lý giáo dục

- Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện các mục tiêu Kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; đưa mục tiêu vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về việc đảm bảo tất cả trẻ em vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục.

- Phát huy tốt vai trò của ngành giáo dục và đào tạo trong công tác tham mưu triển khai, thực hiện các mục tiêu; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện các mục tiêu theo đúng lộ trình Kế hoạch.

- Đổi mới công tác quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, công tác kiểm tra đánh giá của các cấp quản lý đảm bảo triển khai hiệu quả, thực chất, nâng cao chất lượng thực hiện Kế hoạch.

2. Thực hiện đảm bảo chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

- Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vùng khó khăn, nhất là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đối đối trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ, bao gồm một số chính sách: Hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Chính phủ.

- Quan tâm hỗ trợ giáo viên theo điều kiện từng vùng miền, chú trọng đến các điểm trường; hỗ trợ các hoạt động biên soạn tài liệu địa phương, kết hợp với các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển văn hóa địa phương.

- Xây dựng cơ chế chính sách thu hút như: Đào tạo theo địa chỉ, tuyển dụng, sử dụng đối với giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số để đảm bảo ổn định số lượng giáo viên cho các nhà trường.

3. Xây dựng; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ

[...]