Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2023
Ngày có hiệu lực 10/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2023-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là vùng khó khăn), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; góp phần phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với trẻ em

- Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và trên 93% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tập trung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; 50% các huyện tập trung trẻ em người DTTS có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

- Đến năm 2030, có ít nhất 33% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và trên 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tập trung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; 80% các huyện tập trung trẻ em người DTTS có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

- Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện địa phương và đặc điểm riêng của trẻ.

b) Đối với giáo viên

- Đến năm 2025: Bồi dưỡng 70% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; 80% trở lên cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL,GV) mầm non dạy vùng DTTS được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

- Đến năm 2030: Bồi dưỡng 90% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm đủ định mức giáo viên/nhóm, lớp và nhân viên theo quy định. 95% trở lên CBQL, GV mầm non dạy vùng DTTS được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

c) Đối với cơ sở Giáo dục mầm non

Đến năm 2030: Phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô, cụ thể:

Đến năm 2025: Xây dựng 22 phòng học; trang bị 182 bộ đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu và 75 bộ đồ chơi ngoài trời.

Đến năm 2030: Xây dựng 35 phòng học; trang bị 110 bộ đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu và 37 bộ đồ chơi ngoài trời.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo phát triển GDMN vùng khó khăn

a) Tiếp tục triển khai, quán triệt đầy đủ văn bản chỉ đạo của các cấp về Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030”. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Chương trình. Phát huy kinh nghiệm, hiệu quả và tính chủ động trong triển khai thực hiện Chương trình, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em vùng khó khăn và kết quả tăng cường tiếng Việt vùng DTTS. Cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình.

b) Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em độ tuổi nhà trẻ (trẻ em dưới 3 tuổi) vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Nghiên cứu ban hành Quy định khuyến khích giáo viên công tác tại các huyện miền núi và quy định về việc thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng, đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, khắc phục sự tùy tiện trong công tác thuyên chuyển giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi.

d) Thực hiện bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào DTTS; thực hiện hợp đồng lao động đối với nhân viên nấu ăn, bảo đảm số lượng theo quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập.

đ) Tiếp tục thực hiện đúng, đủ chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn, nhất là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người DTTS theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Thu hút, động viên giáo viên công tác lâu dài ở vùng khó khăn; ưu tiên sử dụng đội ngũ giáo viên là người địa phương dạy trẻ em người DTTS vùng khó khăn.

2. Tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ

a) Tập trung tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL, GV dạy trẻ em vùng khó khăn về: Công tác quản lý, triển khai Chương trình GDMN, phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn, nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép tại điểm trường lẻ; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình điểm.

b) Tiếp tục triển khai, thực hiện công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người DTTS. Chỉ đạo, hướng dẫn CBQL, GV mầm non tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các lớp học tiếng dân tộc, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo chất lượng hiệu quả. Đưa nội dung tăng cường tiếng Việt vào kế hoạch giáo dục hằng năm.

[...]