Quyết định 111/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 111/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/01/2013
Ngày có hiệu lực 09/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Đình Sơn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHẾ BIẾN LÂM SẢN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2012-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Đất đai năm 2003; Luật bảo vệ môi trường năm 2004; Luật Xây dựng năm 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2311/QĐ-UBND ngày 10/8/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi thống nhất với các sở, ngành, địa phương liên quan) tại Tờ trình số 4422/TTr-SNN ngày 30/11/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, định hướng phát triển.

- Tái cấu trúc công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh đảm bảo hiệu quả, bền vững, phát triển theo quy hoạch với sự kiểm soát của Nhà nước, góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững;

- Phát triển chế biến lâm sản theo hướng sản xuất lớn, tạo chuỗi giá trị khép kín, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng về lâm nghiệp của tỉnh; đồng thời phải bảo vệ môi trường và xác định đây là nghành nghề kinh doanh có điều kiện;

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuyển hướng vào chế biến tinh, sâu với các sản phẩm: Bột giấy, ván dăm, ván ghép thanh, MDF, đồ gỗ nội thất, đồ gỗ xuất khẩu... từ nguyên liệu gỗ rừng trồng; nhanh chóng chấm dứt chế biến xuất khẩu dăm gỗ.

- Lấy thị trường làm mục tiêu, sản xuất phải gắn với thị trường, nguồn nguyên liệu và nguồn lực sẵn có của từng vùng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tại chỗ, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

- Phát triển vùng nguyên liệu phải gắn với chế biến tinh, sâu. Các tổ chức thuê đất để trồng rừng nguyên liệu phải có phương án chế biến sâu, hoặc phương án liên kết, tiêu thụ sản phẩm phục vụ chế biến sâu;

- Phát triển chế biến lâm sản phải gắn với phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nguồn nhân lực được đào tạo.

II- Mục tiêu phát triển.

1. Mục tiêu chung.

Đẩy mạnh phát triển chế biến lâm sản của tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tổ chức lại, bố trí hợp lý, khoa học hệ thống các cơ sở chế biến gắn với vùng, nguồn nguyên liệu ổn định. Chấm dứt việc cấp giấy chứng nhận đầu tư về chế biến dăm gỗ; nhanh chóng chuyển hướng từ chế biến thô sang tinh, sâu, sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng, đưa công nghiệp chế biến lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Đến năm 2020:

- Giá trị sản xuất chế biến lâm sản toàn tỉnh đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, sản phẩm sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm;

- Giá trị xuất khẩu đạt 70 triệu USD;

- Giải quyết việc làm cho khoảng 6.700 lao động, thu nhập bình quân đạt 5 - 6 triệu đồng/tháng;

- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về kinh doanh và chế biến lâm sản; chấm dứt tình trạng chế biến, tiêu thụ lâm sản trái phép;

- Các sản phẩm chế biến lâm sản đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế;

- Đảm bảo vệ sinh môi trường theo luật định.

[...]