Nghị quyết 25/NQ-HĐND năm 2017 về kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 25/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 05/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 05/12/2017 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Võ Thành Hạo |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 05 tháng 12 năm 2017 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ IX - KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
Sau khi xem xét Báo cáo số 708/BC-HĐND ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Tờ trình số 709/TTr-HĐND ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với những nội dung như sau:
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP bằng Chương trình hành động số 4179/CTr-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và từng lúc có chỉ đạo kịp thời để các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhìn chung, sau một năm triển khai, cùng với chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp, việc triển khai Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền địa phương về chuyển nền hành chính từ quản lý sang phục vụ, xây dựng và kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, các thủ tục hành chính được công khai, thời gian giải quyết một số thủ tục đã được rút ngắn đáng kể, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp (đã rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống còn 1-2 ngày (thời gian qui định là 03 ngày), Quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày xuống còn 22 ngày). Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương có những cách thức đa dạng để tiếp xúc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp về kiến thức quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, tiếp cận vốn, thị trường… Các chính sách ưu đãi về tín dụng, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Trung ương được triển khai tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách về khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các địa phương tập trung vận động, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 55% so cùng kỳ, vốn đăng ký ban đầu gấp 2,3 lần so cùng kỳ, suất đầu tư tăng từ 5,3 tỷ đồng/doanh nghiệp lên 6,42 tỷ đồng/doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giảm dần. Doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Về đất đai: hiện tại tỉnh chưa có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; một số cụm công nghiệp được quy hoạch chưa giải phóng mặt bằng. Một số nhà đầu tư mua đất của dân, sau đó, xin chuyển mục đích sử dụng đất gặp khó khăn do đất không nằm trong quy hoạch sản xuất công nghiệp (thành phố Bến Tre hiện còn vướng khoảng 30 trường hợp); đồng thời vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất của dân không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
- Về thủ tục hành chính: thời gian thực hiện thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực có được cắt giảm nhưng tổng thời gian cho một dự án từ lúc được cấp phép đầu tư đến khi chính thức đi vào hoạt động vẫn còn dài, trong đó, tốn nhiều thời gian nhất là các thủ tục cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy. Tính công khai, minh bạch của các quy hoạch, các thủ tục hành chính vẫn chưa được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
- Việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo tính bình đẳng. Công tác tổ chức cho các doanh nghiệp đấu thầu, nhất là đấu thầu xây dựng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn còn có biểu hiện thiếu minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh công bằng. Nguồn vốn hỗ trợ khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
- Một số cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhưng việc triển khai thực hiện ở các địa phương còn chậm như: Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 4 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, phát triển Hợp tác xã, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Việc chậm triển khai các cơ chế, chính sách này đã ảnh hưởng đến việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Hệ thống chính sách chưa đồng bộ, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chưa có chính sách ưu đãi đặc thù nào cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Chưa có chính sách ưu tiên thu hút, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.
- Ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian dài, làm thiệt hại đến quyền lợi của người lao động, chưa thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, sản xuất kinh doanh còn gây ô nhiễm môi trường, báo cáo tài chính chưa minh bạch.
- Việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đa số hộ chưa muốn chuyển lên doanh nghiệp do ngại phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, phải có kế toán, có hóa đơn đầu vào đầu ra, phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...
- Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trên thực tế gặp khó khăn, một số trường hợp thi hành án cho doanh nghiệp kéo dài, còn 223 việc án có điều kiện nhưng chưa được thi hành, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
- Việc phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp chưa tốt, theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn còn sự trùng lắp, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
- Việc cam kết giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa được các ngành tham mưu thực hiện nghiêm túc.
3. Nguyên nhân của hạn chế, bất cập:
a) Nguyên nhân khách quan:
- Sức thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư của tỉnh chưa cao do môi trường đầu tư kinh doanh chưa đồng bộ, đặc biệt là thiếu quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, cơ sở hạ tầng giao thông, việc cung cấp điện, nước sạch, xử lý rác thải...ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất.
-Việc xét xử, thi hành án, cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản nhiều trường hợp gặp sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, sự bất hợp tác của người có quyền lợi liên quan hoặc do sai sót của hai bên khi ký kết hợp đồng giao dịch...dẫn đến tình trạng một số việc thi hành án kéo dài.