Nghị quyết 23/NQ-HĐND năm 2017 thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 23/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Danh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 117/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 05 năm 2016 - 2020;

Xét Tờ trình số 312/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 98/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

1. Nội dung quy hoạch điều chỉnh, bổ sung

a) Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu tổng quát:

+ Điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông thủy sản và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Xây dựng nền nông nghiệp đa dạng tiếp cận kinh tế thị trường nhằm tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh gắn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu với các vùng nguyên liệu; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và đời sống của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5 năm (2016 - 2020) 4%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 chiếm 31,3 - 32,7 % GRDP toàn tỉnh.

+ Đến năm 2030: Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 10 năm (2021 - 2030) là 3,5%/năm; Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 chiếm từ 12,5 - 14,5 % GRDP toàn tỉnh.

b) Nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sau điều chỉnh, bổ sung

- Tổng diện tích đất nông nghiệp:

Đến năm 2020 là 181.448,69 ha, trong đó đất trồng cây ăn trái 74.000 ha; đất trồng lúa 72.349 ha; đất rừng phòng hộ 3.695 ha; đất rừng sản xuất 900 ha; đất nuôi trồng thủy sản 10.236 ha.

- Trồng trọt:

+ Cây lúa: Đến năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa 72.349 ha với diện tích gieo trồng hàng năm 201.500 ha, sản lượng đạt 1.200.000 tấn. Đến năm 2030, tổng diện tích canh tác ổn định khoảng 70.000 ha; diện tích gieo trồng đạt 193.000 ha với sản lượng 1.150.000 tấn.

+ Cây ăn trái: Năm 2020, diện tích 74.000 ha, sản lượng dự kiến 1.400.000 tấn. Đến năm 2030: diện tích khoảng 75.000 ha, sản lượng đạt trên 1.400.000 tấn; cụ thể:

. Cây xoài: đến năm 2020 diện tích đạt 4.800 ha, sản lượng 115.400 tấn; tập trung tại các xã thuộc huyện Cái Bè;. Đến năm 2030 diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng 120.000 tấn.

. Cây sầu riêng: đến năm 2020 diện tích 12.000 ha, sản lượng 260.000 tấn; tập trung ở huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và một số xã huyện Cái Bè; Đến năm 2030 diện tích khoảng 12.000 ha, sản lượng 276.000 tấn.

. Cây khóm: đến năm 2020 diện tích khoảng 15.000 ha, sản lượng khoảng 309.000 tấn, tập trung tại huyện Tân Phước. Đến năm 2030 diện tích khoảng 16.000 ha, sản lượng khoảng 312.000 tấn.

[...]