Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 56-CP năm 1993 Hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Số hiệu 56-CP
Ngày ban hành 28/08/1993
Ngày có hiệu lực 01/09/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 56-CP NGÀY 28-8-1993 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 1. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi chung là cơ sở), có sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đều thuộc đối tượng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nơi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là nơi cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó.

Điều 2. Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một lần và không phải nộp thuế doanh thu ở nơi sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất có tổ chức các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm thì nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất và nộp thuế doanh thu theo ngành thương nghiệp tại nơi tiêu thụ sản phẩm.

Cơ sở sản xuất khi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc phần nguyên liệu ở khâu trước (nếu có).

Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nếu xuất khẩu trong các trường hợp cụ thể sau đây không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt:

- Hàng hoá do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc trực tiếp gia công cho nước ngoài.

- Hàng hoá do cơ sở sản xuất bán hoặc uỷ thác cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế và giấy phép xuất khẩu. Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu, nhưng không xuất khẩu mà đem bán trong nước thì ngoài việc phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp, còn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 3. Căn cứ tính thuế đối với hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá và thuế suất.

Điều 4. Số lượng hàng hoá tiêu thụ bao gồm số lượng, trọng lượng của mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất ra để bán, để trao đổi hoặc để biếu tặng người khác hoặc tiêu thụ dùng sinh hoạt nội bộ của cơ sở.

Điều 5. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở sản xuất mặt hàng đó bán ra tại nơi sản xuất chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với hàng gia công, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế của mặt hàng cùng loại hoặc của mặt hàng tương đương.

Đối với hàng thu mua (trong trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở thu mua nộp theo quy định tại Điều 10 Nghị định này), giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá mua vào tại nơi sản xuất chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp không xác định được giá tính thuế thì cơ quan thuế tỉnh hoặc cấp tương đương quy định giá tính thuế cho từng mặt hàng cụ thể theo nguyên tắc trên.

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng đem biếu, tặng hay tiêu dùng nội bộ thực hiện theo những nguyên tắc quy định tại Điều này.

Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định mức giá tính thuế cho từng mặt hàng cụ thể.

Điều 6. Mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo Biểu sau:

STT

Mặt hàng

Thuế suất (%)

1

Thuốc hút:

 

 

a) Thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu

70

 

b) Thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu trong nước

52

 

c) Thuốc lá điếu không có đầu lọc, xì gà

32

2

Rượu:

 

 

a) Rượu thuốc

15

 

b) Các loại rượu khác

 

 

- Trên 40 độ

90

 

- Từ 30 độ đến 40 độ

75

 

- Dưới 30 độ kể cả rượu hoa quả

25

3

Bia các loại

90

 

-Riêng bia hộp

75

4

Pháo

100

Thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu là loại thuốc lá sử dụng số lượng nguyên liệu sợi thuốc nhập khẩu từ 51% trở lên so với nguyên liệu sợi thuốc cần dùng cho sản phẩm đó.

Rượu thuốc chịu thuế suất 15% phải có đăng ký sản phẩm và giấy phép hoạt động của cơ sở sản xuất do Bộ Y tế cấp. Nếu không đủ những điều kiện này thì nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất của loại rượu có độ tương ứng.

[...]