Thông tư 46-TC/TCT năm 1990 thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 46-TC/TCT
Ngày ban hành 04/10/1990
Ngày có hiệu lực 19/10/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-TC/TCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 1990

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 46-TC/TCT NGÀY 04-10-1990 HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

I- PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

1. Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng chung cho tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có sản xuất các mặt hàng quy định tại Điều 9 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bán ra tại thị trường Việt Nam, cũng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Điều 2 Nghị định số 352-HĐBT ngày 02-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng thì:

a) "Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một lần" có nghĩa là một mặt hàng đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất khi lưu thông trên thị trường không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lần thứ hai.

Cơ sở trực tiếp sản xuất khi bán ra những mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ nộp Thuế thuế tiêu thụ đặc biệt mà không phải nộp thuế doanh thu trên số sản phẩm đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ví dụ: Cơ sở sản xuất rượu nộp thuế tiêu thụ đặc biệt mà không phải nộp thuế doanh thu về doanh số của mặt hàng rượu bán ra. Khi mặt hàng rượu chuyển sang khâu lưu thông thì cơ sở buôn bán rượu không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt mà nộp thuế doanh thu theo biểu thuế ngành thương nghiệp.

b) Cơ sở nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc phần nguyên liệu đã nộp ở khâu trước, khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất, chế biến sau, nếu có đủ các điều kiện:

1. Những nguyên liệu này đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

2. Những nguyên liệu này được dùng làm nguyên liệu để sản xuất, chế biến sản phẩm mới thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

3. Có chứng từ chứng minh đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại điểm C, khoản 3, mục III Thông tư này.

Công thức tính khấu trừ như sau:

Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sau

=

Số
lượng
hàng hoá tiêu thụ

x

Giá tính thuế đơn vị

x


Thuế suất

-

Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nguyên liệu của số sản phẩm tiêu thụ

Để đơn giản việc tính khấu trừ thuế, đối với những cơ sở sản xuất lớn, nguyên liệu mua theo mùa vụ trải ra nhiều tháng trong năm thì có thể căn cứ vào định mức tiêu hao nguyên liệu cho 1 đơn vị sản phẩm để tính trừ phần thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nguyên liệu, cuối quý, 6 tháng hoặc cả năm sẽ quyết toán điều chỉnh lại số thuế khấu trừ theo thực tế.

Ví dụ: 1 kg thuốc lá sản xuất được 40 bao thuốc điếu đầu lọc, thuế tiêu thụ đặc biệt bình quân 1 kg thuốc lá sợi đã nộp là 1.000 đồng, giá bán ra một bao thuốc lá điếu đầu lọc là 1.500 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt tạm nộp cho 40 bao thuốc lá điếu đầu lọc bán ra sẽ là:

40 bao x 1.500đ x 50% - 1.000đ = 29.000 đồng.

c) Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để xuất khẩu thì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp không xuất khẩu, để tiêu thụ trong nước thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tổng cục thuế Nhà nước sẽ quyết định không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với từng trường hợp cụ thể về sản phẩm được phép xuất khẩu theo Hiệp định hoặc hợp đồng đặt hàng, theo đề nghị của Cục thuế tỉnh, thành phố.

II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì:

Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp

=

Số lượng hàng hoá tiêu thụ

x

Giá tính thuế đơn vị hàng hoá

x

Thuế suất

1. Số lượng hàng hoá tiêu thụ bao gồm cả số lượng, trọng lượng của mặt hàng chịu thuế suất ra để bán, để trao đổi, biếu tặng người khác hoặc cho nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt nội bộ của cơ sở.

Đối với cơ sở không thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 18 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về đăng ký kê khai nộp thuế, về giữ sổ sách chứng từ kế toán, không đáp ứng những yêu cầu của cơ quan thuế về cung cấp tài liệu cần thiết có liên quan đến việc tính thuế thì cơ quan thuế có quyền căn cứ vào kết quả điều tra của mình và tham khảo ý kiến của các ngành có liên quan để ấn định sản lượng, giá tính thuế và số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp.

2. Giá tính thuế của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán thực tế ghi trên hoá đơn bán hàng của cơ sở sản xuất, trong đó đã có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với hàng gia công, giá tính thuế của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán buôn đã có thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng cùng loại, hoặc của mặt hàng tương đương do cơ sở sản xuất bán ra.

Đối với cơ sở sản xuất không có đầy đủ các điều kiện xác định được giá bán thì giá tính thuế là giá bán lẻ trung bình trên thị trường. Việc quy định giá bán lẻ trung bình trên thị trường do Cục thuế quy định cho toàn tỉnh hoặc cấp hành chính tương đương.

Khi giá cả tăng, giảm từ 20% trở lên, Cục thuế phải điều chỉnh lại giá tính thuế. Cục thuế phải gửi 1 bản quy định giá tính thuế ban đầu và những lần điều chỉnh giá tính thuế về Tổng cục thuế Nhà nước.

[...]