Thông tư 26-ĐT/VPI -1977 hướng dẫn thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường nguồn điện, triệt để tiết kiệm điện, dành điện cho sản xuất do Bộ Điện và Than ban hành

Số hiệu 26-ĐT/VPI
Ngày ban hành 01/08/1977
Ngày có hiệu lực 16/08/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Điện và Than
Người ký Nguyễn Chấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ ĐIỆN VÀ THAN
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 26-ĐT/VPI

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1977

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NGUỒN ĐIỆN, TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN, DÀNH ĐIỆN CHO SẢN XUẤT

Chấp hành Chỉ thị số 252-TTg ngày 15-06-1977 của Thủ tướng Chính phủ, về phần mình Bộ Điện và than đã có hướng dẫn cho các Sở trực thuộc khẩn trương thực hiện. Với các Bộ, các ngành và các địa phương, Bộ chúng tôi xin nêu một số điểm cần làm như sau để thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

I. VỀ NHỮNG NGUỒN PHÁT ĐIỆN Ở NGOÀI LƯỚI

…………….

…………….([1])

3. Theo tinh thần Chỉ thị số 252-TTg thì khi nguồn điện lưới không đủ để phục vụ, các xí nghiệp có nguồn điện riêng sẽ không được cung cấp điện lưới hoặc chỉ được cung cấp phần công suất còn thiếu mà thôi, nếu công suất nguồn điện riêng chưa đủ cho nhu cầu điện của xí nghiệp có máy.

4. Đối với các xí nghiệp có nguồn điện riêng, lâu nay vẫn dùng điện lưới, nay tự túc điện bằng máy phát của mình hoặc cung cấp điện cho lưới bằng máy phát của mình thì công ty điện lực (Sở quản lý và phân phối điện khu vực của công ty) có trách nhiệm xác nhận vào kế hoạch huy động nguồn điện riêng này tính bằng kWh, vào cuối quý trước cho quý sau để xí nghiệp có máy làm cơ sở yêu cầu Nhà nước cung cấp than dầu. Nếu là trường hợp cung cấp điện cho lưới thì Sở quản lý phân phối điện có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện của xí nghiệp có máy phát. Hai bên phải tôn trọng hợp đồng đã ký và chịu các sự ràng buộc của hợp đồng theo chế độ hợp đồng kinh tế mà Nhà nước đã quy định tại Nghị định số 54-CP (10-03-1975). Các xí nghiệp có nguồn điện riêng không được viện lý do khó khăn mà thoái thác việc huy động nguồn điện riêng của mình và trong trường hợp này ngành điện có thể không chịu trách nhiệm về cung cấp điện cho xí nghiệp đồng thời báo cáo lên bộ chủ quản để can thiệp.

5. Việc hạch toán chi phí trong việc sử dụng nguồn điện diésel riêng để phục vụ sản xuất sẽ tiến hành theo Thông tư số 5-TC/CN/XD ngày 25-03-1974 của Bộ Tài chính.

II. VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP TÍCH CỰC ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN, DÀNH ĐIỆN ƯU TIÊN CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP

A. ĐỂ BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN CUNG CẤP ĐIỆN.

1. Đối với việc bơm nước chống hạn hoặc chống úng, việc cung cấp điện lưới ở những nơi đã có trạm bơm dùng điện lưới, được xếp vào loại ưu tiên hàng đầu.

Ngành điện của Bộ Điện và than chịu trách nhiệm bảo đảm về sản lượng và về chất lượng điện (điện áp và tính liên tục). Nơi nào mà điện lưới về đến đó không còn đủ điện áp theo quy định của quy phạm và của điều lệ cung cấp tiêu thụ điện, nhưng xét thấy vẫn còn chạy được bơm trong một thời gian ngắn thì Công ty điện lực phải có văn bản thỏa thuận cho trạm bơm ở đó hoặc ở khu vực đó được chạy bơm với điện áp thấp hơn điện áp định mức trong một thời gian nhất định.

2. Công ty điện lực của Bộ Điện và than chịu trách nhiệm nghiên cứu tách từng đường dây cao thế cung cấp điện cho các trạm bơm quan trọng ra khỏi đường dây chung có nhiều phụ tải khác, nhằm có thể thực hiện được chế độ ưu tiên một cách có hiệu lực cho thủy lợi.

3. Khi hạn hoặc úng mà nguồn điện lưới không đủ, Sở quản lý và phối hợp điện khu vực sau khi báo cáo cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện, phải cắt tất cả những phụ tải không ưu tiên móc vào đường dây hoặc vào máy biến áp của các trạm bơm nông nghiệp để có thể bảo đảm cung cấp ưu tiên đủ số lượng và điện áp cho trạm bơm. Chính quyền địa phương cần phối hợp với Sở quản lý và phân phối điện khu vực để làm việc này và ngăn cấm mọi việc tự ý móc lại điện.

4. Đối với các xí nghiệp và công trường xây dựng cơ bản của các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, Bộ Điện và than đề nghị Bộ, Tổng cục, tỉnh lập danh sách thứ tự ưu tiên về cung cấp điện cho từng 6 tháng (có ghi rõ số ca làm việc mỗi ngày và công suất điện cần cung cấp mỗi ca) gửi cho Bộ Điện và than trước một tháng để Bộ Điện và than bố trí cung cấp điện. Mỗi khi cần sửa đổi hoặc bổ sung danh sách thứ tự ưu tiên đó, các Bộ, Tổng cục, tỉnh… làm công văn gửi cho Bộ Điện và than để điều chỉnh và bổ sung.

B. ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP.

1. Hạn chế cao điểm.

Việc dùng điện tập trung vào ban ngày và vào các giờ đầu hôm (18 đến 22h) khiến cho trong các giờ ấy các nhà máy điện và các đường dây dẫn điện cao thế bị quá tải, hiệu suất lò và máy của các nhà máy điện bị giảm thấp, tổn thất điện năng do phát nhiệt trên các đường dây tăng cao, từ đó vốn đầu tư của Nhà nước vào ngành điện phải tăng lên một cách không hợp lý thì mới thỏa mãn được nhu cầu như thế. Để tránh tình trạng đó ngay từ năm 1960 Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định số 12-CP ngày 21-05-1960 về tiết kiệm sức điện. Nghị định đã ấn định (ở điều 5) các xí nghiệp, công trường… làm việc 1 ca, 2 ca không được dùng điện chạy máy trong giờ cao điểm, các xí nghiệp làm việc 3 ca cần dùng điện để chạy máy trong giờ cao điểm thì phải bố trí chạy máy thật hợp lý để tránh tiêu thụ nhiều điện. Nghị định số 12-CP ngày 21-05-1960 nay đã được văn bản quyết định số 422-TTg ngày 11-11-1976 cho thi hành trên cả nước ta.

Như vậy, xét về mặt lợi ích kinh tế chung cũng như về mặt chế độ của Nhà nước, các xí nghiệp làm việc 1 ca và 2 ca không được cấp điện lưới vào các giờ cao điểm. Cao điểm về điện buổi tối là từ lúc 18h đến 22h hàng ngày, gọi là “cao điểm tối”. Buổi sáng từ 6h đến 10h cũng là một thời gian cao điểm gọi là “cao điểm sáng”. Tuy nhiên vào các giờ cao điểm sáng các xí nghiệp làm việc 2 ca (16h) vẫn đương nhiên được cung cấp điện.

Tóm lại để thực hiện chế độ nói trên, Bộ Điện và than quy định như sau:

- Các xí nghiệp làm việc 1 ca được cung cấp điện lưới từ 9h đến 17h hoặc từ 10h đến 18h.

- Các xí nghiệp làm việc 2 ca được cung cấp điện lưới từ 10h cho đến 18h và từ 22h cho đến 6h hoặc liên tục từ lúc 22h cho đến 16h hôm sau nếu muốn tránh sự gián đoạn giữa 2 ca kế tiếp.

2. Nghỉ luân phiên.

Việc nghỉ chủ nhật vào các ngày khác trong tuần lễ đã được quy định từ lâu và đã thành nền nếp, có tác dụng tận dụng công suất của lưới điện vào cả ngày chủ nhật. Điều này cũng đã được quy định ở Nghị định số 12-CP nói trên (Điều 7). Các xí nghiệp, công trường trong mỗi khu vực, mỗi tỉnh, thành cần tiếp tục thực hiện chế độ này. Sở quản lý và phân phối điện khu vực có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương quy định, giám sát và kiểm tra việc thi hành.

3. Nâng cao hệ số công suất.

Hệ số công suất (Cosj) quá thấp ở những nơi dùng điện đòi hỏi các nhà máy điện phải phát nhiều điện năng vô công và tải đến để bù lại cho nơi dùng điện khỏi bị tụt điện áp đến mức quá thấp. Việc tải công suất vô công này không những làm cho tổn thất điện năng trên các đường dây tăng lên một cách lãng phí mà còn hạn chế khả năng phát công suất hữu công của các nhà máy điện.

a) Để tránh lãng phí này, các xí nghiệp công trường, nông trường cần tắt những động cơ không làm việc, không được để chạy không tải và cũng không nên cho các động cơ chạy non tải.

[...]