Kế hoạch hành động 52/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 168/NQ-CP NGÀY 29/12/2022 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 03/11/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt là Nghị quyết 168/NQ-CP); UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tập trung cụ thể hóa mục tiêu, tầm nhìn, các nội dung liên kết vùng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng để triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

3. Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhanh và bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

4. Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu của các sở, ban, ngành và địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

5. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm. Thu ngân sách Nhà nước tăng 13 - 15%/năm.

- Đến năm 2030, GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP; công nghiệp và xây dựng 33 - 34%; nông nghiệp 5 - 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dưới 5 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%. 100% dân số sử dụng nước sạch. 100% các khu đô thị, 85% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ lao động được đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 75 - 80%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động để thực hiện hiệu quả mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định đây là cơ hội, là nền tảng và động lực quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành thuộc Vùng hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh phát triển liên kết vùng

Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các địa phương trong Vùng triển khai Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm[1]; kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

3. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ; huy động mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

- Tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng: (1) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; (2) Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; (3) Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; (4) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; (5) Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; (6) Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; (7) Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (8) Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; (9) Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

- Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

- Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế biển

- Tập trung cơ cấu lại các ngành dịch vụ có lợi thế như: Du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, logistics gắn với công nghệ số. Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm logistics cấp Vùng. Ưu tiên phát triển ngành du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài; phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với khu quần thể sân Golf Huế,...

Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng hình thành chuỗi du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương trong vùng và cả nước; các quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông về phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung như: Tổ chức Festival Du lịch biển, Ngày hội Du lịch Vùng,... Khuyến khích phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng.

- Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp có thể mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh như: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm dệt may khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; phát triển ngành năng lượng sạch; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh; công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế gắn với trung tâm y tế chuyên sâu của vùng, cả nước.

Xúc tiến các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp[2]; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô lớn[3]; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đón đầu làn sóng đầu tư, nhất là các dự án FDI nhằm tăng thu ngân sách, thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương và các tỉnh/thành trong Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Có chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện gắn với đô thị hóa.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ