Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 156/KH-UBND
Ngày ban hành 20/06/2020
Ngày có hiệu lực 20/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Thiên Định
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 05/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22/10/2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW;

Căn cứ Kế hoạch hành động số 646-KH/BCSĐTNMT ngày 23/4/2020 của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị định số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW;

Căn cứ Kế hoạch 109-KH/TU ngày 10/5/2019 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về việc Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của vùng biển, đảo, đầm phá và các nguồn nội lực, tranh thủ và tận dụng tối đa, khai thác hiệu quả các nguồn ngoại lực; tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế. Thừa Thiên Huế phải trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển.

2. Phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, đầm phá. Bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh; các nguyên tắc phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Lấy du lịch là ngành kinh tế chủ lực, khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong vùng. Gắn tăng trưởng kinh tế với giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ. Chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nước biển dâng. Ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, đầm phá, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; bảo tồn các hệ sinh thái biển, đầm phá. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo đảm các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo quy định của Chính phủ. Phấn đấu các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đầm phá được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển, đầm phá.

- Nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá.

- Đưa chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; 100% dân số được sử dụng nước sạch.

- Phấn đấu đến năm 2030, các địa phương vùng ven biển, đầm phá sẽ có những thành tựu về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, Qua đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, phát huy được lợi thế riêng có và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có năng lực, trình độ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.

- Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vùng đầm phá; giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn, ngập ngọt và trên cát ven biển, đầm phá. Nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng lên trên 30%.

- Các khu đô thị, cụm công nghiệp và làng nghề trong vùng được xử lý nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn đặt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Phòng, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, thiệt hại do thiên tai gây ra.

III. KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ

- Căn cứ các Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các Nghị quyết của Trung ương và địa phương, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua các cơ chế, công cụ điều phối cụ thể.

- Định kỳ đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và nội dung trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Nghị quyết 26/NQ-CP, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, phương án phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Về phát triển kinh tế biển, ven biển

a) Du lịch và dịch vụ biển

[...]