Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2022 triển khai Chương trình 12-CTR/TU thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 231/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2022
Ngày có hiệu lực 30/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH SỐ 12-CTR/TU NGÀY 13/5/2022 CỦA TỈNH ỦY (KHÓA XVI) THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 38/2021/QH15, NGÀY 13/11/2021 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Chương trình số 12-Ctr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện gồm các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 bằng các nội dung công việc chi tiết.

2. Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững; góp phần thực hiện mục tiêu:

Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Chính sách quản lý tài chính - ngân sách nhà nước

a) Chính sách về mức dư nợ vay

- Sở Tài chính căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan để xây dựng kế hoạch vay, trả nợ 05 năm; chương trình quản lý nợ 03 năm của chính quyền địa phương và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại, bảo đảm tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, trong đó phải đánh giá kỹ khả năng giải ngân vốn của các dự án và khả năng trả nợ vay của ngân sách tỉnh, bảo đảm an toàn, khả thi, hiệu quả, đúng quy định.

Trong trường hợp cần thiết phải huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị khác để đầu tư phát triển địa phương và khả năng vay, trả nợ của Tỉnh còn đảm bảo thì Sở Tài chính chủ động xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh cần thiết phải đầu tư nhưng chưa cân đối được nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xem xét, đề xuất đầu tư bằng nguồn vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại.

b) Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu

- Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tổng hợp, thống kê số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu để xác định số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế từ khoản tăng thu này ở mức cao nhất (70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu).

- Sở Công Thương rà soát danh mục các sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu chủ lực trên địa bàn; xây dựng Đề án phát triển chuỗi dịch vụ logistics gắn với các ngành sản xuất liên quan hoạt động xuất nhập khẩu; xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

- Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu, bảo đảm thu đúng, thu đủ và có giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, phấn đấu hằng năm vượt thu ở mức cao.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ xuất khẩu qua Cảng biển Chân Mây - Lăng Cô.

- Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh cần thiết phải đầu tư nhưng chưa cân đối được nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xem xét đầu tư bằng nguồn tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

c) Chính sách về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các cơ quan/đơn vị Trung ương trên địa bàn để có kế hoạch sắp xếp phù hợp.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với các cơ sở nhà đất nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hoặc theo nhu cầu đầu tư xây dựng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, rà soát xây dựng phương án bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất nêu trên phục vụ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

[...]