Kế hoạch số 8497/BGTVT-VT về tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Số hiệu 8497/BGTVT-VT
Ngày ban hành 31/12/2007
Ngày có hiệu lực 31/12/2007
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Hồng Trường
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 8497/BGTVT-VT

Hà Nội, ngày 31  tháng 12 năm 2007

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Căn cứ Mục 3, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đồng thời để thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt (dưới đây gọi chung là Kế hoạch) với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a. Tuyên truyền để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ (hoặc ảnh hưởng đến) công trình giao thông và cộng đồng dân cư dọc hai bên đường bộ, đường sắt có nhận thức đầy đủ, rõ ràng các quy định của pháp luật về công tác này. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

b. Các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân dọc hai bên đường bộ, đường sắt biết và thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và các nội dung chính của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu:

a. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt biết được rõ hơn các quy định của pháp luật và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nắm được nguyên nhân và hậu quả của việc vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông đường bộ, đường sắt; nắm được các công việc, các mốc thời gian cụ thể cần được thực hiện trong Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

b. Tạo được sự thay đổi cơ bản về nhận thức của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông;

c. Nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là đối với các chủ công trình dọc hai bên các công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

II. PHƯƠNG PHÁP TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp tuyên truyền với phương châm: kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp.

2. Chủ động trong việc biên soạn tài liệu và có hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của từng đối tượng có liên quan. Tuyên truyền theo nhiều tuyến, nhiều chiều, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ văn hóa, giáo dục từng khu vực, từng vùng, miền…

3. Gắn công tác tuyên truyền với công tác thực thi pháp luật của lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng Công an và các cấp chính quyền địa phương cũng như công tác chuẩn bị thực hiện giải tỏa vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.

4. Huy động được các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng đoàn thể tham gia phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kết hợp với việc treo các khẩu hiệu tuyên truyền, phương án nô, áp phích… để các đối tượng có liên quan được tiếp nhận nhiều hơn các thông tin về an toàn giao thông, nắm được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1. Phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

2. Tuyên truyền về vai trò, tác dụng của hành lang an toàn trong việc bảo vệ sự bền vững của công trình giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế và phòng ngừa tai nạn giao thông.

3. Tuyên truyền về thực trạng công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông; nguyên nhân và hậu quả của việc vi phạm các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

4. Tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của: các cấp chính quyền địa phương; của ngành giao thông vận tải; của các tổ chức, cá nhân khác có khai thác sử dụng (các lợi ích) trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

5. Tuyên truyền các công việc và lộ trình thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, cụ thể như sau:

5.1. Đối với hành lang an toàn đường bộ:

a. Giai đoạn I: Từ nay đến hết quá II năm 2008:

- Từ 01 tháng 01 năm 2008 đến ngày 28 tháng 02 năm 2008: Tổ chức tuyên truyền, vận động các đơn vị, cá nhân tự nguyện tháo dỡ các công trình, lều quán xây dựng trái phép, vi phạm trên đất hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù, xử lý;

- Đến trước ngày 31 tháng 3 năm 2008: các Khu quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù xử lý; thống kê các công trình, lều quán xây dựng trái phép;

- Từ ngày 01 tháng 4 năm 2008 đến ngày 30 tháng 6 năm 2008: Thực hiện cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm trong phạm vi từ 5m ÷ 7m đã được đền bù giải tỏa thuộc các đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 được quy định trong Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Thủ tướng Chính phủ.

[...]