BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4250/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội,
ngày 01 tháng 12 năm
2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN
PHÁP LUẬT AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TUYÊN
TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC XÃ HỘI HÓA”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày
24 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo
đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày
01 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát
triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;
Căn cứ Công điện số 03/CĐ-UBATGTQG
ngày 17 tháng 04 năm 2014 của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tăng cường công tác tuyên
truyền, phối hợp với các cơ quan đoàn thể nhằm tăng cường các biện pháp để đảm
bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn
giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường hiệu quả công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc
và xây dựng mô hình tuyên truyền an toàn giao thông theo hình thức xã hội hóa”
với các nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật an
toàn giao thông trên đường bộ cao tốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị,
đặc biệt là của các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn
giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Các giải pháp tuyên truyền, phổ biến
pháp luật an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc phải phù hợp với chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao
thông đường bộ, quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc và đồng bộ, có hiệu
quả với phương thức tiếp cận mới.
3. Huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy
mạnh công tác xã hội hóa trong việc thực hiện tuyên truyền,
phổ biến pháp luật an toàn giao thông trên đường bộ cao
tốc.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp
luật về an toàn giao thông cho người tham gia giao thông
trên đường bộ cao tốc và người dân sống dọc khu vực tuyến đường nhằm giảm tai
nạn giao thông, giảm các rủi ro gây tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc
hướng tới một hệ thống đường bộ cao tốc đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và
bảo đảm an toàn giao thông một cách bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường
bộ cao tốc trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
- Nâng cao kỹ năng lái xe an toàn trên
đường bộ cao tốc cho lái xe.
- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành
pháp luật về an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc của các lái xe, các chủ
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải và của người dân sống dọc khu vực tuyến
đường bộ cao tốc đi qua.
- Xóa bỏ 100% các hình thức vi phạm chủ
yếu như phá rào, đi xe mô tô, xe gắn máy trên đường bộ cao tốc, đi bộ trên đường
bộ cao tốc, bán hàng trên đường cao tốc, trèo qua giải phân cách sang đường,
các điểm dừng đón trả khách trái phép trên đường bộ cao tốc.
- Nâng cao năng lực của các cơ quan,
tổ chức, các nhà đầu tư xây dựng quản lý và khai thác đường bộ cao tốc trong
việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông
trên đường bộ cao tốc.
- Phấn đấu đạt 75% kinh phí thực hiện
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc
bằng hình thức xã hội hóa.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật an toàn giao thông
Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc với
những nội dung như sau:
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến về
kỹ năng lái xe an toàn trên đường bộ cao tốc,
các quy tắc giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ cao tốc, sử dụng
rượu bia khi tham gia giao thông, chạy quá tốc độ quy định, giữ khoảng cách an
toàn, văn hóa giao thông, cảnh báo những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên
đường bộ cao tốc và hậu quả của tai nạn giao thông, xử lý các tình huống nguy
hiểm khi tham gia giao thông trên đường bộ cao tốc, bảo vệ kết cấu hạ tầng
đường bộ cao tốc, các hành vi nghiêm cấm như đi bộ, trèo rào, giải phân cách
sang đường bộ cao tốc, đi xe máy vào đường bộ cao tốc, tụ tập bắt xe khách trên
đường cao tốc và hướng dẫn sử dụng cầu vượt, hầm chui qua đường.
- Biên soạn Sổ tay an toàn giao thông
trên đường bộ cao tốc và cấp cho các lái xe.
- Xây dựng website, ứng dụng cho điện
thoại thông minh (smartphone) và sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter…) tuyên truyền, phổ biến về an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc.
- Xây dựng các đoạn phim ngắn, các tiểu
phẩm (videoclip) phát trên truyền hình và chiếu tại các sự kiện tuyên truyền;
các tiểu phẩm phát trên đài phát thanh; các chuyên mục trên các báo giấy, báo
điện tử địa phương và Trung ương.
- Xây dựng phòng tuyên truyền lưu động
bằng hình ảnh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về an toàn giao thông đường bộ cao tốc lưu động tại các công ty vận tải thương
mại, các trạm dừng nghỉ, các bến xe, các bãi xe, các cơ quan, trường học, trong
đó chú trọng tập huấn nâng cao kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc cho
các lái xe trong các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa thương mại.
- Tổ chức tuyên truyền theo mô hình “Tuần An toàn giao thông đường bộ cao tốc” tại các khu dân cư, đặc biệt
các khu dân cư sống dọc tuyến cao tốc, các khu có các công ty vận tải thương
mại hoạt động, khu bến bãi đỗ xe với sự tham gia của các Ban An toàn giao
thông, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các đoàn thể và các đơn vị,
tổ chức khác có liên quan.
- Sử dụng bảng điện tử trên các giá long
môn đặt tại vị trí đầu các tuyến đường bộ cao tốc, các đoạn nhập làn vào đường
bộ cao tốc, tại trạm dừng nghỉ và trạm thu phí nhằm truyền
tải các thông điệp về an toàn giao thông cho các lái xe.
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về an toàn giao thông đường bộ cao tốc vào các dịp ngày tết, lễ, hội.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc vào các hoạt động
tuyên truyền chung về an toàn giao thông của Ủy
ban An toàn giao thông Quốc gia, các Ban An toàn giao thông địa phương, của
các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các dự án về
an toàn giao thông.
- Lồng ghép vào hoạt động sinh hoạt của
chi bộ, chính quyền và của các tổ chức đoàn
thể địa phương dọc các tuyến đường bộ cao tốc các nội dung tuyên truyền về bảo
vệ kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, các hành vi nghiêm cấm như: Đi bộ, phá rào,
trèo rào, trèo giải phân cách sang đường bộ cao tốc, đi xe máy vào đường bộ cao
tốc, tụ tập bắt xe khách, bán hàng trên đường bộ cao tốc và hướng dẫn sử dụng
cầu vượt, hầm chui qua đường.
2. Tuyên truyền an toàn giao thông
theo hình thức xã hội hóa
Thực hiện xã hội hóa tuyên truyền an toàn
giao thông theo các hình thức như sau:
- Cục Quản lý Đường bộ cao tốc kêu
gọi tài trợ, tiếp nhận tài trợ và trực tiếp triển
khai các hoạt động tuyên truyền chuyên về an toàn giao thông đường bộ cao
tốc.
- Các nhà đầu tư xây dựng và khai thác
các tuyến đường bộ cao tốc (như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc
Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông
Cửu Long...) tự triển khai thực hiện tuyên truyền chuyên về an toàn giao thông
đường bộ cao tốc.
- Các hoạt động tuyên truyền do các doanh
nghiệp, cơ quan, tổ chức tự bỏ kinh phí thực hiện tuyên truyền chung về an toàn
giao thông với sự phối hợp của Ủy ban An
toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và tích hợp chuyên đề về
an toàn giao thông đường bộ cao tốc với sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Quản lý Đường
bộ cao tốc.
- Cục Quản lý Đường bộ cao tốc kết hợp
cùng với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp
nhận tài trợ và tổ chức thực hiện tuyên truyền.
- Cục Quản lý Đường bộ cao tốc tiếp nhận
tài trợ và tích hợp tuyên truyền chuyên đề an toàn giao thông đường bộ cao tốc
vào các hoạt động do Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chủ
trì thực hiện tuyên truyền chung về an toàn giao thông.
- Kết hợp tuyên truyền
chuyên đề an toàn giao thông đường bộ cao tốc với các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế thực hiện tuyên truyền chung về an toàn
giao thông, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ.
3. Cơ chế, chính sách và quản lý
- Thành lập bộ phận tuyên truyền của các
doanh nghiệp đầu tư, khai thác đường cao tốc có chức năng thực hiện công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường cao tốc với đầy đủ
các trang thiết bị và tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền.
- Bố trí bộ phận tuyên truyền và phổ biến
pháp luật trực thuộc Cục Quản lý Đường bộ cao tốc với chức năng, nhiệm vụ chủ
trì, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông cho
đường bộ cao tốc; phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương
tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chủ trì, xây dựng và đề
xuất các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn
giao thông; quản lý và cập nhật trang web, ứng dụng cho smartphone. Được trang
bị các trang thiết bị và tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền.
- Đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về lái
xe trên đường bộ cao tốc vào chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép
lái xe.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu
đãi các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến
pháp luật an toàn giao thông đường bộ cao tốc như: Cho phép gắn biển logo của
doanh nghiệp vào các biển báo, biển tuyên truyền trên đường bộ cao tốc, quảng
cáo tại các trạm dừng nghỉ, trên website và ứng dụng điện thoại.
- Ban hành cơ chế phối hợp hoạt động tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cao tốc giữa Tổng cục
Đường bộ Việt Nam với các Ban An toàn giao thông địa phương và các cơ quan, tổ
chức liên quan...
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt các vi phạm về hành lang an toàn
giao thông, cắt rào chắn thép, tháo trộm bu lông, ốc vít, xử lý các hộ dân kinh
doanh trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
- Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát
và xử lý vi phạm, đặc biệt đối với việc dừng đón trả khách trái phép trên đường
bộ cao tốc.
- Áp dụng hệ thống giao thông thông minh,
camera giám sát trên đường bộ cao tốc.
4. Nguồn nhân lực
- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ
chuyên môn cho cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan quản lý đường bộ cao tốc, các
nhà đầu tư xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc, các công ty tổ chức vận hành,
khai thác đường bộ, cao tốc, cán bộ, nhân viên các Ban An toàn giao thông cấp
tỉnh, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các cán bộ, nhân viên làm
công tác an toàn giao thông của các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa
thương mại.
- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên
về an toàn giao thông đường bộ cao tốc trong
các cơ quan, tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội và ở địa
phương.
- Tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước, các cuộc hội thảo chuyên đề an toàn giao thông
đường bộ cao tốc.
5. Nguồn vốn
Tạo nguồn vốn xã hội hóa thông qua
các hình thức sau:
- Huy động nguồn kinh phí các doanh nghiệp
trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, phi chính phủ tài
trợ cho các hoạt động tuyên truyền.
- Kinh phí thu được từ hoạt động quảng
cáo tại các trạm dừng nghỉ, trên trang website, ứng dụng điện thoại và quảng
cáo trong các hoạt động tuyên truyền tại các sự kiện, các tiểu phẩm truyền
hình, logo của doanh nghiệp phù hợp trong một số biển tuyên truyền, biển báo
trên tuyến.
- Đề xuất bổ sung quy định về kinh phí
thực hiện công tác tuyên truyền trong cấu thành tổng mức đầu tư và dự toán công
trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường bộ cao tốc.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ An toàn giao thông:
- Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về
công tác triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo kiểm tra, đôn
đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án;
- Định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo và
đề xuất với Lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và phát
sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
2. Vụ Vận tải: Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội Vận
tải ô tô Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp
vận tải.
3. Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch Đầu tư, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối
tác công - tư: Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề xuất bổ sung quy định về kinh phí
thực hiện công tác tuyên truyền trong cấu thành tổng mức đầu tư và dự toán công
trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường bộ cao tốc.
4. Vụ Tổ chức cán bộ:
- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường
bộ Việt Nam đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về lái xe trên đường bộ cao tốc vào
chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan và các địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân
lực.
5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
- Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trong quá trình triển khai Đề án.
- Chỉ đạo Cục Quản lý Đường bộ cao tốc
triển khai thực hiện các nội dung của Đề án
thuộc phạm vi và trách nhiệm của Cục.
- Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án hàng năm và định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo
cáo Bộ Giao thông vận tải.
- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp hoạt
động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cao tốc
giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các Ban An toàn giao thông địa phương và
các cơ quan, tổ chức liên quan.
- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ đưa nội
dung kiến thức, kỹ năng về lái xe trên đường bộ cao tốc vào chương trình đào
tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
6. Ban An toàn giao thông và Sở Giao thông
vận tải các tỉnh: Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện
các nội dung của Đề án có liên quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ
trưởng các Vụ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục
thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Ủy ban ATGTQG (để phối hợp);
- Ban ATGT và Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ GTVT;
- Văn phòng Đảng ủy Bộ GTVT;
- Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ
GTVT;
- Lưu: VT, ATGT (5);
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT AN
TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN
GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC XÃ HỘI HÓA”
(Kèm theo Quyết định số 4250/QĐ-BGTVT
ngày 01 tháng 12 năm 2015
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TT
|
Chương
trình, dự án ưu tiên đầu tư
|
Dự
kiến kinh phí (triệu đồng)
|
Dự
kiến nguồn kinh phí
|
NSNN
|
Xã
hội hóa
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Dự án Xây dựng Website và ứng dụng
smartphone tuyên truyền ATGT đường bộ cao tốc
|
2.000
|
500
|
500
|
|
|
|
500
|
500
|
|
|
|
2
|
Dự án nghiên cứu biên soạn Sổ tay ATGT
đường bộ cao tốc
|
1.000
|
|
250
|
250
|
|
|
|
250
|
250
|
|
|
3
|
Dự án đầu tư xây dựng các bảng tuyên
truyền điện tử trên các tuyến đường bộ cao tốc
|
5.000
|
|
|
|
|
|
1.000
|
1.000
|
1.000
|
1.000
|
1.000
|
4
|
Chương trình “Tuần An toàn giao thông
đường bộ cao tốc” trên các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà
Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
|
5.500
|
500
|
400
|
300
|
200
|
150
|
600
|
700
|
800
|
900
|
950
|
5
|
Chương trình tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
|
4.400
|
|
400
|
300
|
250
|
250
|
|
700
|
800
|
850
|
850
|
6
|
Chương trình tuyên truyền tại các trạm
dừng nghỉ và trạm thu phí
|
4.400
|
|
400
|
300
|
300
|
250
|
|
700
|
800
|
800
|
850
|
Tổng
cộng:
|
22.300
|
1.000
|
1.950
|
1.150
|
750
|
650
|
2.100
|
3.850
|
3.650
|
3.550
|
3.650
|