Quyết định 1856/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1856/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/12/2007
Ngày có hiệu lực 19/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 1856/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

a) Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

b) Tạo lập lại, xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường đấu nối vào quốc lộ, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt.

2. Giải pháp thực hiện

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông để mọi người tự giác chấp hành; yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục;

b) Rà soát, phân loại và thống kê các công trình vi phạm nằm trong hành lang an toàn đường bộ, các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ; rà soát, phân loại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành; xây dựng rào chắn ngăn cách quốc lộ với đường sắt ở những đoạn quốc lộ chạy sát với đường sắt;

c) Thực hiện cưỡng chế giải toả các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ, xoá bỏ đường đấu nối trái phép vào đường bộ; hoàn thiện mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, quản lý bảo vệ phần hành lang an toàn đường bộ đã giải toả, bảo vệ mốc lộ giới; tổ chức giải toả dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất hành lang an toàn đường sắt trong phạm vi đã được đền bù; ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép, từng bước xoá bỏ các đường ngang trái phép có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông;

d) Thống nhất quy hoạch hệ thống đường gom các khu kinh tế, khu thương mại, dân cư, các vị trí đấu nối đường gom vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố; thực hiện quy hoạch hệ thống hàng rào đường gom các đường dân sinh, ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt;

đ) Rà soát các văn bản của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu về quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

II. TIẾN ĐỘ, NỘI DUNG THỰC HIỆN

Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, lộ trình thực hiện giải toả và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt được chia làm ba giai đoạn, cụ thể:

1. Đối với đường bộ

a) Giai đoạn I: từ nay đến hết quý II năm 2008:

- Các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện việc rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác các công trình sai phạm và công trình cần giải toả trong hành lang an toàn đường bộ;

- Tổng hợp kinh phí hỗ trợ giải toả hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù từ 5 m - 7 m trên tất cả các tuyến quốc lộ;

- Thực hiện giải toả các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên quốc lộ 1 trong phạm vi đã đền bù giải toả 5 m - 7 m và các công trình lều lán, quán bán hàng, biển hiệu, biển quảng cáo ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Thực hiện thí điểm 4 đoạn tuyến trên quốc lộ 1:

Đoạn 1: Hà Nội - Ninh Bình;

Đoạn 2: Vinh - Huế;

Đoạn 3: Đà Nẵng - Nha Trang;

Đoạn 4: Ninh Thuận - thành phố Hồ Chí Minh.

+ Thời gian đến ngày 31 tháng 3 năm 2008: các khu quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù xử lý; thống kê các công trình, lều quán xây dựng trái phép;

[...]