Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 7089/KH-UBND thực hiện Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 7089/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2012
Ngày có hiệu lực 17/09/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7089/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 9 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030”;

Thực hiện Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 04/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

- Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số 2.678.520 người, tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, có 31 khu công nghiệp tập trung, 39 cụm công nghiệp với hơn 900 nhà máy, xí nghiệp, thu hút khoảng 700.000 lao động.

- Thực trạng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các địa phương, công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được triển khai tích cực, hiệu quả. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ, phương tiện chế biến, bảo quản thực phẩm theo quy định, người dân được tuyên truyền, phổ biến kiến thức và ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm được các sở, ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có: 19.254 cơ sở thực phẩm, đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 9.908 cơ sở (đạt 51,5%), 447 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; 805 cơ sở kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản và 231 cơ sở giết mổ.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát gặp khó khăn, chưa có nguồn thực phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, thực phẩm nguyên liệu tươi sống chưa được kiểm soát, thực phẩm chế biến sẵn còn nhiều dấu hiệu làm cho người tiêu dùng, người quản lý lo ngại về chất lượng và sự an toàn.

Từ thực trạng trên, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cho công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Luật An toàn thực phẩm hiệu quả.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

An toàn thực phẩm (ATTP) đóng vai trò quan trọng đặc biệt, thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đảm bảo ATTP góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và hội nhập Quốc tế.

1. Bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

2. Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm.

3. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đến năm 2015: Có quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng ATTP trên địa bàn tỉnh.

- Đến năm 2020: Việc kiểm soát ATTP trong chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 01: Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng

- Đến năm 2015: 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý (bao gồm Lãnh đạo các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp; Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm), 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

- Đến năm 2020: 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

b) Mục tiêu 02: Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP

- Đến năm 2015: Hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; 90% cán bộ quản lý, cán bộ thanh tra tham gia công tác ATTP được đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành. Tỉnh có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025, hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức, thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP.

c) Mục tiêu 03: Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm

- Đến năm 2015: 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung, 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 80% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 30% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000,…; khuyến khích các cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ áp dụng các hệ thống này; 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; 50% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP (không bao gồm chợ tự phát).

[...]